Theo đó, giai đoạn đầu An Giang sẽ triển khai thí điểm cách ly điều trị tại nhà các F0 không triệu chứng tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại các địa phương bùng phát dịch khi các cơ sở thu dung điều trị F0 tại đây không đảm bảo các điều kiện cách ly điều trị.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà các F0 không triệu chứng nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, các tổ chuyên môn, an ninh trật tự... tại các cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh. Qua đó cũng giúp ngành y tế tập trung nguồn lực điều trị hiệu quả cho người mắc COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao. Chỉ trong 2 ngày từ 30 – 31/10, An Giang ghi nhận 557 ca mắc ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, An Giang đã ghi nhận 11.193 trường hợp mắc COVID-19. Hiện tỉnh đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho hơn 1,26 triệu người trên 18 tuổi, đạt gần 92% và tiêm mũi 2 cho gần 181.000 người, đạt khoảng 13,2%.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo các cấp độ 1, 2, 3 và 4 luôn tuân thủ 5 K; chủ cơ sở, doanh nghiệp và người lao động đã được tiêm vaccine ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh không quá 6 tháng.
Ông Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất an toàn và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đối với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, trước khi cho công nhân về nơi cư trú phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Sở Công Thương tỉnh An Giang quy định ở cấp độ 3, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chỉ được phép hoạt động 50% công suất; ở cấp độ 4 là 30% và định kỳ 1 tuần/lần thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên tối thiểu 20% người lao động để tầm soát dịch.