Án oan sai không nhiều nhưng nghiêm trọng

Trong 5 năm qua, một số vụ án oan đã được đưa ra ánh sáng, trả lại sự trong sạch cho những người bị oan sai. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi riêng với ông Đinh Xuân Thảo (ảnh), đại biểu Quốc hội Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về vấn đề này.

Các vụ án oan sai này đã lại hậu quả nặng nề cho người bị kết án oan, gây bức xúc trong dư luận. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Qua hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát tối cao về các vụ án oan sai trong năm 2015 cho thấy, số vụ án oan sai là không nhiều nhưng đều là những vụ việc đáng tiếc, đặc biệt là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức án tới chung thân, tử hình.

Nguyên nhân hàng đầu, nổi bật nhất dẫn tới oan sai là do trình độ, năng lực của cán bộ tham gia tố tụng. Trong các bộ luật đã quy định rất rõ ràng, nghiêm cấm bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, các vụ việc oan sai thường do việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, nhưng lại ép buộc nghi phạm phải thừa nhận theo ý kiến chủ quan của mình bằng cách dùng nhục hình hoặc bức cung để buộc phải nhận tội.

Lẽ ra, ở khâu điều tra đã yếu thì đến cơ quan truy tố phải sáng suốt phát hiện ra những vấn đề trong hồ sơ chưa rõ ràng, khuất tất để trả lại hồ sơ điều tra lại, nhưng ở khâu này cũng yếu nên không phát hiện ra. Ở khâu xét xử, việc bị oan sai cũng không bị phát hiện do thẩm phán có thể chủ quan, trình độ năng lực yếu kém hoặc phớt lờ ý kiến của bị can, bị cáo hoặc có tâm lý “án bỏ túi”, tức là ra tòa chỉ để tuyên án theo kết quả điều tra trước đó.

Nguyên nhân thứ hai một phần là do quy định của pháp luật chưa đầy đủ. Trước đây, chưa có các quy định giám sát để hạn chế hiện tượng bức cung, nhục hình như: ghi âm, ghi hình… trong quá trình điều tra, xét hỏi. Nhưng các quy định này đã được bổ sung trong Bộ luật Hình sự mới được thông qua.

Để giảm án oan sai thì việc ghi âm, ghi hình quá trình thẩm vấn là rất qua trọng, đặc biệt hơn là nâng cao vai trò của luật sư trong quá trình tranh tụng. Các quy định này đã được hoàn thiện như thế nào trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua thưa ông?

Việc sửa đổi, bổ sung quy định ghi âm, ghi hình… trong quá trình điều tra ở Bộ luật Hình sự chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc giảm án oan sai trong các vụ án hình sự. Nhưng để triển khai việc này không đơn giản, phải có lộ trình thực hiện vì trang bị phương tiện kỹ thuật sẽ rất tốn kém, việc lưu trữ thông tin, phân tích thông tin, hình ảnh cũng khá công phu. Tuy nhiên, quy định về việc ghi âm, ghi hình là một sự tiến bộ, chí ít cũng tạo ra ý thức của người tham gia tố tụng từ điều tra, truy tố tới xét xử luôn luôn phải nghĩ rằng, có sự kiểm soát để họ thận trọng hơn.

Trước đây, hoạt động tranh tụng cũng không được đề cao. Các cơ quan xét xử nhiều khi không cho bị cáo trả lời, không lắng nghe ý kiến của bị cáo, phớt lờ ý kiến của luật sư, chỉ chú ý tới ý kiến của công tố viên là người buộc tội. Sau khi tuyên án, bị cáo kêu oan, việc xác minh, xem xét lại vụ án cũng làm chưa tốt, dẫn tới các vụ án oan sai kéo dài hàng chục năm. Có vụ án 3 lần đều kết án oan, nghi cho người bị oan sai vào tội giết người.

Do vậy, trong quy định mới cho phép đội ngũ luật sư được tiếp cận sớm trong các vụ án hình sự, quyền tranh tụng tại tòa án trong quá trình xét xử sẽ góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ vụ án, ngăn chặn để xảy ra oan sai, ngăn chặn sự chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, trình độ, năng lực của cán bộ tham gia tố tụng cũng được cải thiện gắn với chương trình cải cách tư pháp của Nhà nước, cũng như việc hoàn thiện pháp luật để phòng tránh oan sai.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện Kiểm sát đã kiện toàn bộ máy tổ chức, luân chuyển, đào tạo cán bộ rất mạnh, góp phần tích cực vào việc truy tố, hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ. Hệ thống tòa án cũng quan tâm nhiều tới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán từ sơ cấp tới cấp cao. Việc xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm cũng có chuyển biến rõ rệt, xử lý nhanh những vụ án nổi cộm, đặc biệt là các vụ án được các đại biểu Quốc hội chuyển tới.



Hữu Vinh (thực hiện)
Giám sát tình hình oan sai trong xét xử
Giám sát tình hình oan sai trong xét xử

Tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm là mục tiêu của ngành tư pháp cần hướng tới trong thời gian tới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền của công dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN