Đã 70 năm trôi qua nhưng trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ quên Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lời kêu gọi của Bác chính là nội dung bài giảng đầu tiên của ông trên cương vị chính trị viên ngày ấy.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cách mạng luyện tập để bảo vệ chính quyền non trẻ. Ảnh: tư liệu TTXVN |
Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhớ lại: “Tôi đi đến các đơn vị đọc và phân tích nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cho các chiến sỹ nghe. Sau khi tôi giảng xong, tất cả bộ đội đã đứng dậy hô Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, kháng chiến nhất định thắng lợi và cùng hát vang: Tiến lên đường, tới sa trường, ta xứng danh là cảm tử quân...".
Lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta để lại những áng thiên cổ hùng văn như: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi…
Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một áng hùng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến gồm 5 điểm: Một là, vì sao ta phải kháng chiến? Để hiểu được điều đó, hãy nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa".
Mặc dù chúng ta đã tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, đối phương chủ trương gây chiến. Không còn con đường nào khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải dùng chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chút ảo tưởng về lòng nhân từ của bọn xâm lược: “Độc lập, tự do, không thể cầu xin mà có được”.
Trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là quan điểm cơ bản mà Hồ Chủ tịch luôn nắm vững trong khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó cũng là quan điểm mấu chốt trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Hai là, quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Khi đã buộc phải kháng chiến thì Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết động viên toàn dân đứng lên chiến đấu và cũng là quyết tâm của nhân dân ta. “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tiếp theo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến. Đó là độc lập - tự do - hạnh phúc; là khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ 80 năm. Bởi vậy, ta có thể hiểu vì sao toàn dân Việt Nam, từ đời cha đến đời con đi đánh giặc cứu nước, tự nguyện hy sinh chiến đấu đến cùng cho những mục tiêu ấy.
Ba là, đánh như thế nào? “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”.
Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quần chúng trong lịch sử. Người luôn luôn nhắc nhở vai trò của dân: “Dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Tư tưởng “chiến tranh toàn dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên năm 1944 trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên toàn dân và vũ trang toàn dân”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn thể dân tộc.
Bốn là, lời kêu gọi dành cho bộ đội, tự vệ, dân quân. “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi này, quân và dân Hà Nội, mùa đông năm 1946 đã nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nay đã trở thành truyền thống của Thủ đô.
Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Lời tiên đoán này của Chủ tịch Hồ Chí Minh 9 năm sau trở thành sự thật với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 30 năm sau, đội quân bách chiến bách thắng của Người đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày đem lại độc lập thống nhất cho đất nước