Trong một tuyên bố chung sáng 11/11, các nước tham gia ký kết TPP (ngoại trừ Mỹ) đã nhất trí về những "yếu tố cốt lõi" của một thỏa thuận.
Các Bộ trưởng Kinh tế của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (không có Mỹ) nhóm họp ở Đà Nẵng ngày 9/11. Ảnh: TTXVN |
Tuyên bố chung nói trên đánh dấu sự thành công của công tác đàm phán tại Việt Nam. Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne đã ca ngợi đây là một "tiến triển lớn".
Thỏa thuận TPP ban đầu từng được Mỹ mô tả là một "tiêu chuẩn vàng" cho mọi thỏa thuận tự do thương mại, vì văn kiện này không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm thuế quan, mà còn bao gồm việc dỡ bỏ một loạt các hạn chế phi thuế quan và đòi hỏi các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý cao trong các lĩnh vực như luật lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ và chi tiêu công. Nếu không có Mỹ tham gia, TPP-11 chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu nhưng các nước còn lại đang nỗ lực tránh sự sụp đổ của thỏa thuận.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.
Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc.