Đại biểu trả lời phỏng vấn phóng viên báo, đài tại Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017 (VOF). Ảnh: TTXVN |
Tạo nền tảng vững chắc cho quá trình khởi nghiệp Với mục tiêu tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận nhiều nội dung về đóng góp của thanh niên đối với tầm nhìn APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, hòa nhập về kinh tế, tài chính, xã hội; phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kasumi Fujita, đến từ Nhật Bản cho biết, nhiều bạn trẻ Nhật Bản hiện nay đang phấn đấu trở thành chủ doanh nghiệp, sở hữu công ty riêng. Trong khoảng 10 năm nữa, những thanh niên khởi nghiệp sẽ là tương lai của APEC. Do đó, giới trẻ Nhật Bản luôn chăm chỉ học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp từ các nền kinh tế trong khu vực. Đánh giá về ý nghĩa, vai trò của Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, Kasumi Fujita khẳng định, Diễn đàn là cơ hội tốt để mỗi thành viên trong Đoàn thu thập kiến thức từ các nền kinh tế khác nhau, từ đó rút kinh nghiệm, học hỏi để có nền tảng vững chắc cho quá trình khởi nghiệp.
Đặng Thị Thanh Thương, sinh viên Khoa Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế, Đại học Huế là đại diện chính thức duy nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế tham dự Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017. Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên hiện nay, Thanh Thương cho rằng, đang có sự khác biệt rất lớn về chính sách hỗ trợ giữa các nền kinh tế thành viên APEC bởi nó tùy thuộc vào định hướng của từng nền kinh tế thành viên.
Tuy nhiên, theo Thanh Thương, Việt Nam đang có một "lỗ hổng" lớn trong quá trình vận hành và quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó Việt Nam cần tạo động lực nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp; xây dựng các chương trình mang tính định hướng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thoát khỏi hạn chế của việc chạy theo xu thế mang tính chất đại trà, hướng tới những mục tiêu dài hạn và có tính phát triển bền vững hơn.
Bàn về thách thức lớn nhất đối với một doanh nghiệp khi khởi nghiệp, đại biểu Kasyanenko Vladislav Olegovich, đại biểu đến từ Nga cho rằng, áp lực cạnh tranh là vấn đề lớn nhất hiện nay đối với quá trình khởi nghiệp. Để giải quyết được vấn đề này, các nền kinh tế thành viên APEC cần trao cơ hội cho tất cả mọi người, tạo nhiều diễn đàn hơn nữa dành cho doanh nghiệp, bởi hiện nay không có nhiều diễn đàn thực sự hữu ích cho các doanh nghiệp.
Để giới trẻ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của APEC Đại biểu trả lời phỏng vấn phóng viên báo, đài tại Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017 (VOF). Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh các đại diện đang là sinh viên, Đoàn Việt Nam còn có một đại diện trẻ trong lĩnh vực khởi nghiệp, đó là Nguyễn Phú Quí, Giám đốc điều hành một công ty kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Phú Quí cho biết, tại Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, Đoàn Việt Nam mang tới 4 chủ đề thảo luận: Đề ra cách thức để giới trẻ đóng góp nhiều hơn nữa vào các giai đoạn phát triển của APEC từ nay đến năm 2020; giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính và các vấn đề xã hội; tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Là một người trẻ đang có những bước đi đầu tiên trên con đường khởi nghiệp, Nguyễn Phú Quí đến với Diễn đàn mang theo nhiều kỳ vọng về việc đem tiếng nói của thế hệ thanh niên mới đóng góp vào quá trình kết nối, hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC; qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mong muốn khởi nghiệp, được giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Chia sẻ về những thách thức gặp phải trong quá trình lập nghiệp của bản thân, cũng như những khó khăn chung mà thanh niên Việt Nam đang phải đối diện khi bắt đầu khởi nghiệp, Nguyễn Phú Quí cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm điều hành, thiếu mối quan hệ kinh doanh và nhất là thiếu vốn. Quí mong muốn Diễn đàn lần này sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ từ các nền kinh tế thành viên tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, nguồn đầu tư mới và học tập kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo, các doanh nhân.