Trong ảnh: Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC). Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Trong ngày, Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) đã được khai mạc, đồng thời Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Nhóm đối thoại công nghiệp ô tô (AD) và Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) tiếp tục các phiên họp toàn thể và các cuộc thảo luận chuyên ngành.
Chủ tịch các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đến tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASCC). Tham dự Hội nghị có khoảng 80 đại biểu đại diện Trung tâm nghiên cứu APEC, các trường đại học trong khu vực, các viện nghiên cứu của Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế.
Với bảy phiên thảo luận diễn ra trong ngày 12/5 và ngày 13/5 , các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan mật thiết đến triển vọng hợp tác của Diễn đàn APEC như : tự do hóa thương mại và đầu tư; liên kết kinh tế khu vực; tăng trưởng tự cường, bền vững và bao trùm; phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa; di chuyển lao động… , đồng thời đề xuất các biện pháp, sáng kiến góp phần vào việc tăng cường hợp tác khu vực.
Tại "Hội thảo về Giáo dục và Đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội", Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã phát biểu khai mạc, chia sẻ những tác động mang tính đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội, cũng như các yêu cầu mới đặt ra đối với người lao động về cả trình độ và kỹ năng.
Trước tình hình mới, các chương trình an sinh xã hội của châu Á - Thái Bình Dương cần phải có khả năng thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học, về kinh tế, xã hội cũng như những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiên tai. Hội thảo là sáng kiến Việt Nam trong khuôn khổ Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực.
Quang cảnh Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Trong khuôn khổ Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, "Hội thảo về Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược giáo dục APEC" bước vào ngày làm việc thứ hai. Được thông qua năm 2016, Chiến lược giáo dục APEC có mục tiêu xây dựng một cộng đồng giáo dục APEC gắn kết và chất lượng vào năm 2030 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, phúc lợi xã hội và tạo việc làm cho người dân các nền kinh tế APEC.
Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) đã tổ chức ba hoạt động trong ngày hôm nay, gồm: Diễn đàn quản lý rượu, Cuộc họp về giới hạn sử dụng thuốc trừ sâu và Diễn đàn Hợp tác an toàn thực phẩm. Tại hai cuộc họp đầu tiên, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau thảo luận các biện pháp để tăng cường hợp tác APEC trong lĩnh vực liên quan. Trong khi đó, Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm đã tập trung tổng kết các kết quả đã đạt được sau ba ngày làm việc vừa qua.
Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) cũng có phiên họp toàn thể thứ hai. Một trong những đề mục thảo luận đáng chú ý của phiên họp là về hướng nội dung của Tuyên bố chính sách về Tuyên truyền Khoa học để trình lên các nhà lãnh đạo APEC.
Cùng ngày, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) đã tổ chức "Đối thoại chính sách thương mại về các cơ sở để tạo thuận lợi cho thương mại số", tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn và đánh giá các khuôn khổ chính sách tác động tới thương mại số trong APEC.