Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại diện đến từ nền kinh tế thành viên APEC, các viện nghiên cứu, đại học, các tổ chức quốc tế và phát triển như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ )…
Khai mạc tại Hội thảo, Tiến sỹ Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, sự bùng nổ của mạng internet, tự động hóa, số hóa, phát triển dựa trên tri thức và trí tuệ nhân tạo. Triển vọng kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi to lớn trong những thập kỷ tới do tác động cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cũng theo Tiến sỹ Doãn Mậu Diệp, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung, Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phát huy tiềm lực khoa học công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với chủ đề của năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam hy vọng có thể thúc đẩy được tăng trưởng, hội nhập kinh tế vốn đang là nhu cầu cấp thiết của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ đề đã thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á-Thái Bình Dương về xây dựng một cộng đồng hoà bình, ổn định, hội nhập, thịnh vượng trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hưởng ứng chủ đề Năm APEC 2017, nhận thức những cơ hội, thách thức của kỷ nguyên số trên toàn cầu, Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực đang nỗ lực xây dựng một dự thảo văn kiện về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác khu vực trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, tập trung vào các hành động ưu tiên trong ba lĩnh vực gồm: phát triển hệ thống thị trường lao động; kỹ năng giáo dục, dạy nghề; an sinh xã hội.
Nhằm tạo nền tảng, cơ sở tốt trong việc hoà n thiện sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị trong lĩnh vực liên quan, tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thảo luận sâu hơn về những thách thức, lợi ích mà kỷ nguyên số mang tới đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; các hàm ý của xu hướng này đối với thị trường lao động; các yêu cầu đối với các bên liên quan (Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động) nhằm chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh mới.
Hội thảo về Thế giới việc làm và thông tin thị trường lao động trong kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần chia sẻ, thảo luận về những thách thức phải đối mặt với thế giới việc làm đã được đưa ra trong Sáng kiến Tổ chức Lao động quốc tế vào năm 2015 gồm: Tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hoá; các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương, sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Sự gia tăng việc làm phi chính thức, dễ bị tổn thương sẽ là những thách thức khi các nước trong khu vực phải đấu tranh để đảm bảo việc làm bền vững.
Hội thảo Thế giới việc làm và thông tin thị trường lao động trong kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như là đầu vào cho Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ được tổ chức vào ngày 15/5/2017.