Nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị là tầm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc kích thích tăng trưởng, thương mại và đầu tư và khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng nhiều thách thức khác.
Hội nghị bàn về 4 chủ đề: Triển vọng kinh tế ASEAN; xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; ASEAN tự cường, tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Các diễn giả đến từ nhiều quốc gia sẽ làm rõ nhiều vấn đề như: Triển vọng của các nền kinh tế ASEAN hiện nay ra sao; cuộc khủng hoảng có đưa khu vực xích lại gần nhau hơn không. Hay, điều gì đã thay đổi? Khu vực công và tư cần làm gì khác nữa để đảm bảo một tương lai tự cường, phát triển bền vững và bao trùm hay Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản trị tốt. Ngoài ra, làm thế nào để ASEAN có thể tăng cường sự phát triển của Fintech trên tất cả các quốc gia thành viên; làm thế nào để công nghệ có thể hỗ trợ đầu tư xanh hơn….
Phát biểu tại hội nghị, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển có tính chất bước ngoặt của ASEAN và nền kinh tế toàn cầu mà COVID-19 là một sự thức tỉnh. Dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, chuyển đổi số, cuộc Cách mạng lần thứ tư và hội nhập... đã đặt nhân loại trước những thử thách và những cơ hội chưa từng có. Cơ hội cho sự thay đổi và thách thức cho sự phát triển bền vững. Trong nguy có dịch COVID-19, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực đang rơi vào tình trạng suy thoái. Đây là cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu nên giải pháp không thể chỉ giới hạn trong đường biên giới của mỗi quốc gia.
Ông Lộc nhấn mạnh, bài toán kép là đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng cần sự phối hợp giữa các quốc gia, cần sự chung tay giữa cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan Chính phủ. Chưa bao giờ sự chung tay hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp lại cần thiết như lúc này và đối tác công tư là công thức để mọi quốc gia vượt qua khủng hoảng.
Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo và cộng đồng kinh doanh trong khu vực thảo luận cùng nhau triển vọng của các nền kinh tế ASEAN trong thời gian tới, chia sẻ với nhau định hướng đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị "ESG", thúc đẩy phát triển công nghệ mà nền tảng là công nghệ số, đồng thời chăm lo cuộc sống cho người dân, để cùng một lúc có thể đạt tới các mục tiêu tăng trưởng xanh, quản trị tốt, phát triển nhanh bền vững và bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thảo luận về tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN, theo ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, các nước ASEAN đang trên chặng đường phát triển kinh tế bền vững và mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng xu thế chung của ASEAN vẫn là tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển của các nền kinh tế cũng được đặt ra, đồng thời nhấn mạnh vai trò tham gia của các Chính phủ, giảm thiểu nhiên liệu hoá thạch, các vấn đề khía cạnh xã hội như độ bình đẳng trong thu nhập, tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý...
"Liên Hợp Quốc và UNDP quan tâm tới vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã có các mục tiêu phát triển đặt ra, chúng tôi cũng đang làm việc với các doanh nghiệp để phát triển mô hình kinh tế xanh... tìm hiểu những gì đang diễn ra chúng tôi mong muốn tận dụng được các cơ hội để ASEAN phát triển xanh và bền vững hơn", ông Christophe Bahuet cho biết.
Chia sẻ về ASEAN số hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Malaysia cho rằng, COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một thế giới hoàn toàn mới đã vượt ra mọi vấn đề về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến cách thức sống và làm việc đã thay đổi...
Các hoạch định chính sách cũng đã phải thay đổi thích ứng với COVID-19, theo đó, tập trung vào đưa lao động trở lại thị trường, giảm đứt gãy của hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Và tới đây là khai phá khả năng đưa ra các chính sách phù hợp để có thể đưa nền kinh tế trở nên bền bỉ, các cơ chế phải bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi mảng của nền kinh tế đều có được sức chống chịu cao, thậm chí khai phá mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế", Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.
Chính phủ Maylaisia cam kết tạo điều kiện cùng các bên liên quan; trong đó, có cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu, nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp.