Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Vũ Hồ cho hay chuỗi hội nghị lần này - với 17 cuộc họp khác nhau giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối tác - là bước tiếp theo trong việc triển khai các ưu tiên cũng như sáng kiến của năm Chủ tịch 2023 của Indonesia với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.
Theo Đại sứ Vũ Hồ, đây sẽ là cuộc họp tổng kết tất cả những thành quả đã đạt được hoặc còn tồn tại trong 6 tháng đầu năm, từ đó hoạch định đường hướng cho hợp tác của ASEAN từ nay đến cuối năm, cũng như bàn thảo các vấn đề quốc tế và khu vực. Các nội dung được trao đổi tại hội nghị đều là những vấn đề nóng liên quan tới hòa bình, ổn định, sự phát triển của khu vực và để đạt được đồng thuận giữa 10 nước ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác, là điều không hề dễ dàng, xuất phát từ sự đa dạng về lợi ích và thể chế của các nước. Do vậy, câu hỏi là ASEAN sẽ phải hành động, ứng xử và phải xử lý tất cả những thách thức này như thế nào?
Đại sứ Vũ Hồ nhắc lại rằng, trong suốt 56 năm tồn tại và phát triển của mình, một trong những mục tiêu mà ASEAN đặt ra là xây dựng và phát triển văn hóa đối thoại và hợp tác. Sau hơn nửa thế kỷ, văn hóa này đang trở thành phong cách, “thương hiệu” của ASEAN khi làm việc với các nước trong Hiệp hội, cũng như là giữa Hiệp hội với các đối tác, giúp điều chỉnh và hài hòa các lợi ích và vượt qua các khác biệt, mâu thuẫn. Đây cũng là mục tiêu đặt ra của ASEAN tại kỳ hội nghị lần này.
Về phần mình, tất cả các đối tác đều phải lấy ASEAN làm trung tâm trong các hoạt động của mình trong khu vực. Trước những mâu thuẫn và khác biệt vốn không thể tránh khỏi trong quan hệ quốc tế, nhiệm vụ của các đối tác là phối hợp cùng ASEAN xây dựng lòng tin và ngăn ngừa tất cả những mâu thuẫn, bất đồng đó bùng phát leo thang thành xung đột. Để làm được điều này, việc đầu tiên là tất cả các nước phải lấy hòa bình, ổn định làm mục tiêu; lấy luật pháp quốc tế, đối thoại và hợp tác làm cơ sở và công cụ để giải quyết các vấn đề.
Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng có thể thấy rõ vai trò trung tâm của ASEAN ngay trong chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” của năm Indonesia làm Chủ tịch ASEAN. Hiện có rất nhiều sáng kiến, ý tưởng trên thế giới về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về phần mình, ASEAN cũng có tầm nhìn “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)”. Do vậy, nhiệm vụ được đặt ra cho tất cả các nước tham dự kỳ hội nghị lần này là làm sao để AOIP thực sự trở thành một văn kiện nền tảng và là trung tâm cho các hoạt động hợp tác của khu vực trong thời đại mới.
Nhà ngoại giao cấp cao Việt Nam nhận định rằng sẽ có những vấn đề gai góc nổi lên tại hội nghị liên quan đến ứng xử của các bên trước tình hình phức tạp ở các điểm nóng trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có Biển Đông, tình hình ở Myanmar, các vấn đề xung quanh Eo biển Đài Loan, những diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên… Do vậy, nhiệm vụ thứ 2 của các nước là tìm tiếng nói chung thông qua các cơ chế hoạt động của ASEAN, cũng như các cuộc gặp gỡ và trao đổi.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh rằng, từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn tham gia các hoạt động của ASEAN trên tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm và coi ASEAN là một bộ phận không tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngoài triển khai Nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trung tâm của đoàn Việt Nam tại Hội nghị lần này là đóng góp vào sự đồng thuận chung của ASEAN; đảm bảo hài hòa trong tất cả các sáng kiến, lợi ích của các nước, cũng như sự hợp tình, hợp lý trong ứng xử với tất cả các vấn đề đặt ra.
Cuối cùng, Đại sứ Vũ Hồ khẳng định rằng nhiệm vụ quan trọng khác của đoàn Việt Nam tại AMM-56 và các Hội nghị liên quan là hỗ trợ để các sáng kiến, ưu tiên của Chủ tịch ASEAN trong năm nay trở thành hiện thực và là tài sản chung của cả Hiệp hội, để từ đó đóng góp một cách cụ thể và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển chung của cả khu vực.