Phát biểu với vai trò là tân Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc nhận định: Môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia. Trong thời gian tới, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiệm vụ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững đất nước, với vai trò, trách nhiệm được giao, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán về các vấn đề môi trường theo hướng bền vững. Từ năm 2010 cho đến nay, Kiểm toán Nhà nước thực hiện trung bình mỗi năm 5 cuộc kiểm toán về môi trường với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và gần đây nhất là chuyển hóa carbon thấp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm toán môi trường đối với sự phát triển bền vững, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) cần nhận thức một cách đầy đủ và xem hội nghị chuyên đề lần này là dịp để thể hiện hành động của mình đối với việc bảo vệ môi trường từng quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.
Thông qua Hội nghị này, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam mong muốn các Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có thế mạnh và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường chia sẻ những bài học thực tiễn đã đạt được để học hỏi, vận dụng, triển khai một cách đồng bộ tại các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong cộng đồng ASOSAI; từ đó đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác giữa các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán chung về môi trường mà các Cơ quan Kiểm toán tối cao cùng quan tâm.
Nói tới vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao trong mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Indonesia Bahtiar Arif cho biết: Là một trong những quốc gia cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra, Indonesia có Nghị định của Tổng thống số 59 năm 2017 về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn quốc, duy trì và đảm bảo các nguồn lực và năng lực cần thiết.
Để làm tốt vai trò này, Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia đã kết hợp khung kiểm toán của phương pháp tiếp cận 7 bước. Đó là sự hợp tác với Cơ quan Kiểm toán tối cao Hà Lan, Tòa án Kiểm toán châu Âu và các đối tác Cơ quan Kiểm toán tối cao khác, để xem xét chuẩn bị mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia còn thiết lập 12 tiêu chí (4 tiêu chí về chính sách, 4 tiêu chí về cách thức thực hiện và 4 tiêu chí về giám sát đánh giá và báo cáo) để đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn xây dựng chính sách, trong việc chuẩn bị thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia ở Indonesia.
Ông Khalid Khan Bin Abdullah Khan, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NADM), cho biết: Kiểm toán Nhà nước Malaysia có quyền hợp pháp để thực hiện Kiểm toán hoạt động theo Đạo luật Kiểm toán năm 1957. Kiểm toán hoạt động bao gồm kiểm toán các vấn đề liên quan đến môi trường với mục tiêu đảm bảo trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả của các chương trình và hoạt động của các bộ, các cơ quan chính phủ trong việc tuân thủ luật môi trường.
Xét tầm quan trọng ngày càng tăng của kiểm toán môi trường, Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã thành lập Phòng Kiểm toán Môi trường năm 2008. Trong 10 năm qua, Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã thực hiện hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang. Các đợt kiểm toán môi trường được thực hiện theo các tiêu chuẩn kiểm toán môi trường quốc tế (ISSAIs), hướng dẫn kiểm toán môi trường, hướng dẫn của nhóm công tác của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về Kiểm toán môi trường (WGEA) và hướng dẫn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Malaysia.
Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để lấy mẫu và phân tích trong kiểm toán môi trường. Các chủ đề kiểm toán môi trường bao gồm quản lý môi trường nội bộ của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý chất thải, quản lý rừng, ngư nghiệp, quản lý tác động môi trường, ô nhiễm, công nghệ xanh...
Ông Khalid Khan Bin Abdullah Khan cũng đề cập đến một số thách thức trong vấn đề kiểm toán môi trường như thiếu thông tin; các vấn đề môi trường đã tồn tại từ lâu và mang tính chất đa quốc gia, đa ngành; khó xác định các tiêu chí kiểm toán ở cấp quốc gia. Đồng thời, việc thuyết phục chính phủ áp dụng các tiêu chí quốc tế cũng rất khó khăn.
Trình bày tóm tắt báo cáo quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quang Thành cho biết, Kiểm toán Nhà nước xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như: Xây dựng Kế hoạch kiểm toán chiến lược và Kế hoạch kiểm toán hằng năm trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Chính phủ và các địa phương, đặc biệt chú trọng vấn đề nước thải, khí thải và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường thời gian tới, đặc biệt tăng cường kiểm toán trong hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Kiểm toán Nhà nước cũng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán môi trường...
Cũng tại hội nghị, đại diện các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên ASOSAI đã trình bày các bài tham luận chuyên sâu; đồng thời tích cực thảo luận để đi đến thống nhất chung trong cách hiểu, trình tự, thủ tục và quy trình, phương pháp thực hiện kiểm toán môi trường trong mối tương quan đến sự phát triển bền vững.