Đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến đồng tình với mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; cơ chế đổi mới khoa học và công nghệ; công tác dạy và học trực tuyến, tuyển sinh đại học; giải pháp phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số đường cao tốc; mở rộng liên kết vùng; vấn đề bình đẳng giới; chế độ, chính sách đối với công tác cán bộ...
Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) thẳng thắn chỉ ra một "dịch bệnh" khác đã xuất hiện từ lâu, vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, trở thành nguy cơ cản trở cho sự phát triển của đất nước, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm. Lĩnh vực đầu tư công bị ảnh hưởng rất lớn bởi “căn bệnh” này. Đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đa số đều đạt tỷ lệ rất thấp, mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021 có tới 36/50 bộ, cơ quan Trung ương; 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó có 20 bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%. Đại biểu nhận định căn bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định.
Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đại biểu để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ cần phải sớm thể chế hóa các chủ trương này thành pháp luật.
Thảo luận về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ý kiến đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; hoàn thiện hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19;
Khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông trong phòng, chống dịch, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) kiến nghị Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như phục hồi kinh tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cần được truyền tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dẫn dắt hành động của người dân. Các thông điệp cần được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào.
Ba Bộ trưởng làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm liên quan lĩnh vực điện năng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng quy hoạch điện toán với nguyên tắc cơ bản là bảo đảm cân đối cung cầu vùng miền, cơ cấu các nguồn điện, cơ cấu nguồn và truyền tải, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển điện, đặc biệt chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận hành thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN, theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thị trường điện bán lẻ cạnh tranh ở nước ta.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025, đồng thời đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa một điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể đầu tư vào phân khúc truyền tải điện. Bộ Công Thương trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện nước ta; trình Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ cấp điện cho nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và hải đảo. Sau khi được chấp thuận, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc.
Nêu rõ vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ Kế hoạch ngân sách Trung ương năm 2021, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần, trước ngày 31/12/2020. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung vào hai nội dung chính. Thứ nhất, việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang trong giai đoạn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, hiện chưa xong. Chính phủ chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 năm nay phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong tuần tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét thông qua định mức, tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ, trên cơ sở đó có thể giao chi tiết được ngay và có thể triển khai vào đầu tháng 12 năm nay. 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 12 này để có thể triển khai ngay.
Thứ hai, việc phân bổ chi tiết của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể vẫn còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới năm 2021. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê chuẩn quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29 của Quốc hội.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội rằng dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, dư địa không còn nhiều, vì trong giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỷ đồng, thì giai đoạn 2021-2025, dự kiến vay 3,0 triệu tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020 có nghĩa là nợ công đến năm 2025 theo đánh giá là khoảng 45,6% GDP theo cách tính GDP mới, nếu tính theo GDP cũ sẽ nằm ở mức 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%. Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8%, nhưng nếu đánh giá theo GDP cũ sẽ là 53,1%, có nghĩa cũng vượt ngưỡng 45%.
“Tuy nhiên, chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đấy quay trở lại thu ngân sách. Tăng bội chi trong năm nay, thì giảm bội chi trong các năm sau, như vậy trong cả giai đoạn, chúng ta vẫn đảm bảo được. Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20 ngàn tỷ đồng, hai năm khoảng 40 ngàn tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, từ đó tăng thu, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.