Thứ nhất, xử lý nợ xấu không cần Chính phủ can thiệp, mặc kệ doanh nghiệp và Ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Như vậy, phải 5 -7 năm nợ xấu vẫn chưa chắc giải quyết được và bất động sản, tín dụng cũng sẽ tiếp tục đóng băng. Như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ giảm 2 -3%.
Thứ hai, Chính phủ can thiệp nhưng chủ yếu bằng tiền tệ. Cụ thể, dùng dự trữ bắt buộc để xử lý (khoảng vài trăm ngàn tỷ đồng), dùng dự trữ ngoại hối hoặc tái cấp vốn nhà nước. Điều này đồng nghĩa, Chính phủ phải in thêm tiền, nhưng bù lại có thể giải quyết nợ xấu trong vòng 2 -3 năm, phá được băng bất động sản từ từ, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ lên 6% trong những năm tới.
Thứ 3, nếu giải quyết nợ xấu bằng tiền ngân sách (vay ngân hàng nước ngoài, bán bớt tài sản của doanh nghiệp nhà nước), đồng nghĩa là sẽ có “tiền tươi, thóc thật”. Với giả thuyết này, nợ xấu cũng được giải quyết trong vòng 2 – 3 năm như giả thuyết thứ 2.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ có giả thuyết thứ 2 là hợp tình, hợp lý và được nhiều người ủng hộ nhiều nhất. Bởi việc bơm tiền đúng thời điểm có thể không gây ra lạm phát, không gây áp lực lên cán cân thanh toán và tỷ giá. Thời gian giải ngân có thể bắt đầu trong năm nay, năm sau và năm sau nữa.
Ngoài ra, nếu sử dụng phương án này kết hợp với dùng tiền mạnh từ nguồn bán tài sản – một phần vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp mà nhà nước chiếm cổ phần lớn. Nếu áp dụng cuối năm nay, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh hơn, cuối năm sau tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5% hoặc trên 6,5%.
Đây cũng là nền tảng cho nền kinh tế đi lên và giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán hiện nay.
Hải Yên