Phóng viên TTXVN tại Bạc Liêu đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết công tác chỉ đạo, điều hành nhằm cải thiện tốt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua?
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là bộ chỉ số đo lường, theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước. Trong những năm qua (từ năm 2011-2016), kết quả chỉ số PAPI tỉnh Bạc Liêu có mức cải thiện thấp, điểm số các nội dung không đồng đều, thuộc nhóm thấp và thấp nhất so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguyên nhân là do thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu chưa ban hành văn bản triển khai chỉ đạo nâng cao chỉ số PAPI, chưa tuyên truyền phổ biến rộng rãi các nội dung chỉ số PAPI đến các cấp, ngành và người dân nắm bắt kịp thời, dẫn đến mức độ cải thiện điểm số, thứ hạng hàng năm còn thấp.
Từ điểm yếu trên, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ Công tác về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI (Tổ Công tác PAPI); kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo, cùng nhiều văn bản về việc tăng cường triển khai, thực hiện, nâng cao kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai thực hiện chỉ số PAPI tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, đến nay, có 19/19 sở, ban, ngành, 7/7 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch tại cơ quan, đơn vị, địa phương và đưa vào triển khai thực hiện.
Nguyên nhân chính để đạt thứ hạng tốp đầu (7/63) về chỉ số PAPI của địa phương là gì thưa ông?
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, qua đó các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Công tác chỉ đạo điều hành được các cấp, ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt thông qua những văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, kết quả thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó có sự quyết tâm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung gắn với việc nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công nói riêng được thể hiện thông qua việc ban hành các Chương trình, kế hoạch công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời việc triển khai thực hiện kế hoạch chỉ số PAPI tại từng cơ quan, đơn vị (trong năm 2017 đã kiểm tra 34 cuộc); tích cực tuyên truyền rộng rãi các thông tin, kết quả triển khai thực hiện chỉ số PAPI đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, cuộc hội nghị tập huấn, qua việc khảo sát lấy ý kiến người dân… Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời, hiểu rõ thêm về vai trò, ý nghĩa của chỉ số PAPI và thấy được tác động tích cực của chỉ số PAPI trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xin ông cho biết bài học kinh nghiệm qua thực hiện công tác trên để tỉnh Bạc Liêu có được thứ hạng cao hiện nay?
Sau quá trình triển khai thực hiện chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh, từ những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp lãnh đạo, Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể. Nơi đâu có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thì nơi đó công tác triển khai thực hiện cao chỉ số PAPI mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngoài ra, điều kiện quan trọng đảm bảo nâng cao và duy trì thứ hạng chỉ số PAPI là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách, hộ nghèo, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, mức đền bù, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, theo hướng mở rộng các hình thức công khai tạo điều kiện cho người dân nắm bắt thông tin kịp thời.
Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra giám sát, uốn nắn kịp thời việc triển khai, thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI; chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chỉ số nội dung, nội dung thành phần chỉ số PAPI đối với cấp chính quyền và toàn thể nhân dân nắm bắt để cùng tham gia thực hiện.
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương có chỉ số PAPI đứng ở thứ hạng thấp. Do đó, để giữ được top đầu như hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ gì thưa ông?
Trước hết, vấn đề có tính chất quyết định là nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 19/7/2017 của Tổ Công tác PAPI về việc nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh.
Để nâng cao và giữ vững chỉ số PAPI trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về các nội dung chỉ số PAPI; làm cho người dân nâng cao ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo đúng các lĩnh vực “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Bên cạnh đó tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và đồng thuận, tích cực thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện; thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả để người dân thông suốt, tự giác thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền với người dân đối với vấn đề dân sinh, vướng mắc trong đời sống hàng ngày; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện nghiêm quy trình điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng thuộc diện hộ nghèo hàng năm đúng theo quy định; phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bạc Liêu tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động vào cơ quan hành chính nhà nước thông qua hình thức thi tuyển cạnh tranh.
Song song với đó Bạc Liêu cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công ở nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường, cơ sở hạ tầng cơ bản… cải thiện điều kiện sống thiết yếu, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao mức độ thụ hưởng dịch vụ công cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp ở các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tư pháp… mạnh dạn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến chỉ số PAPI, đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp…
Xin cảm ơn ông!
Bài 2: Quyết liệt nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh