Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, việc cải thiện các chỉ số là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài; đồng thời yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh; trong đó, chú trọng thực hiện 3 quyết tâm chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2024. Các sở, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ và cụ thể hóa những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia, những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, các chi phí chính thức và không chính thức; tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà, khó khăn nhất. Các cấp, ngành quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xã hội, bảo đảm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp; đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Các cấp, ngành chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, tham mưu cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương căn cứ kết quả các chỉ số, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện chương trình, kế hoạch cải thiện năm 2024 và những năm tiếp theo. Qua đó, sớm đưa Bắc Ninh vượt qua khó khăn để quay trở lại quỹ đạo phát triển vốn có của tỉnh; tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Phân tích chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2023, Bắc Ninh nằm ngoài nhóm 30 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất với 65,96 điểm (giảm 3,12 điểm so với năm 2022). Trong đó, có 4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; tính năng động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ 21/30 tỉnh/thành phố có điểm tổng hợp cao nhất năm 2023.
Đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh khi xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng gợi mở một số giải pháp nhằm giúp địa phương duy trì tốt thứ hạng chỉ số này thời gian tới. Trong đó, tỉnh cần niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trên Cổng thông tin điện tử; áp dụng các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn hành vi vòi vĩnh của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của địa phương…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nguyễn Đăng Khang phân tích chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) Bắc Ninh năm 2023; Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Lê Đức Kỳ phân tích chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) Bắc Ninh năm 2023. Cụ thể năm 2023, chỉ số Cải cách hành chính tỉnh đạt 84.61/100 điểm (bị trừ 15.39/100 điểm), đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt 77,40%, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả này thể hiện, công tác cải cách hành chính của địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Tại đây, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung làm rõ nguyên nhân gây giảm điểm, giảm thứ hạng các chỉ số thành phần; đồng thời đề xuất các sáng kiến theo chức năng, nhiệm vụ nhằm góp phần cải thiện đồng bộ, hiệu quả các chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.