Thời gian gần đây, trên một số trang mạng có đăng tải thông tin: Ban biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) tỉnh Ninh Thuận đã bị chính quyền đình chỉ hoạt động và bị xóa sổ.
Đây là thông tin sai, đã ít nhiều gây hoài nghi, hoang mang cho không ít người từng biết, từng quan tâm đến tổ chức này, đặc biệt là đối với cộng đồng người dân tộc Chăm ở trong và ngoài nước. Ông Lộ Minh Trại, Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật và nhằm mục đích ác ý.
Ông Trại khẳng định, BBSSCC tỉnh Ninh Thuận được thành lập vào năm 1978 theo Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 15/3/1978 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thuận Hải (cũ) có vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ chữ viết Chăm. Từ ngày thành lập đến nay, BBSSCC luôn cố gắng trong việc nghiên cứu, biên soạn sách chữ Chăm nhằm đảm bảo cho việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh người Chăm ở bậc tiểu học.
Thời gian qua, những công trình biên soạn của BBSSCC đều được đông đảo các thân hào, nhân sĩ, trí thức cũng như giới phụ huynh và học sinh người Chăm ghi nhận, ủng hộ. Do vậy không có lý do gì để khiến cho BBSSCC tỉnh Ninh Thuận bị chính quyền đình chỉ hoạt động hay bị xóa sổ như một số thông tin đã xuyên tạc.
Theo ông Trại, sở dĩ có những thông tin sai trái trên, là do có sự hiểu sai về Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 28/7/2010 về việc thành lập Phòng Giáo dục Dân tộc thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở tổ chức lại BBSSCC trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, trụ sở của BBSSCC sẽ được giao lại cho Trường Dân tộc nội trú Pô-Ka-Long, còn BBSSCC được nâng lên thành Phòng Giáo dục Dân tộc và chuyển vào làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Phòng Giáo dục Dân tộc là phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có chức năng quản lý nhà nước về công tác giáo dục dân tộc; phối hợp với các cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý sách giáo khoa tiếng dân tộc; tổ chức triển khai dạy tiếng dân tộc cho học sinh và cho cán bộ theo chủ trương của Chính phủ.
Đức Ánh - Hạnh Phan