Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, sau Phiên họp thứ hai (15/7/2022), Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch. Theo đó đã tổ chức thành công hai cuộc Hội thảo khoa học "Lý luận - thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” quy mô lớn với sự tham dự của nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.
Ban Chỉ đạo cũng đã thành lập 4 đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 tại các địa phương để đánh giá kết quả cũng như các vấn đề đặt ra, nhằm đảm bảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng 18 chuyên đề về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8.
Sau khi các thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phải đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn hòa bình để phát triển đất nước. Chủ tịch nước đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ kế hoạch và đề nghị các thành viên, các cơ quan chức năng tiếp tục đóng góp xây dựng Đề cương chi tiết, dự thảo Nghị quyết với tinh thần trách nhiệm cao. Các nội dung phải có sự trao đổi, thảo luận để có sự thống nhất cao.
Theo đó, Đề cương chi tiết báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 phải nêu được các kết quả quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được, phát huy được truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong thực hiện nhiều nhiệm vụ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, Đề cương chi tiết cũng cần nêu các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện Nghị quyết; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã nêu được những đường lối, tư duy mới, là bước đột phá trong sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm qua. Do đó, định hướng xây dựng Dự thảo Nghị quyết thay thế phải đảm bảo kế thừa tối đa nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết Trung ương 8; những thành tựu, kinh nghiệm thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; bổ sung nội dung mới phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Cùng với đó phải dự báo được tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; sự phát triển của khoa học công nghệ; tình hình trong nước; khả năng thể chế hóa Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết cũng phải nêu được quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo có sự phân công, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, nhất là các cơ quan trọng yếu và các địa phương. Đây cũng chính là bước quán triệt Nghị quyết quan trọng đối với các địa phương. Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến, khẩn trương trình các dự thảo sản phẩm để tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, từ đó sớm hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.