Hoàn thành nhiều công việc
6 tháng đầu năm 2021, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thiện 06 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai xây dựng Đề án về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu phục vụ tốt Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo, một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Sau phiên họp, cuộc họp, Ban đã tham mưu ban hành 22 văn bản đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện Chương trình nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo và thực hiện Kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021; tổ chức 02 phiên họp của Ban Chỉ đạo 110 và tham mưu ban hành Thông báo Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ. Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo 110, sau Hội nghị tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các vụ án, vụ việc ở cả 3 cấp độ.
Ban Nội chính Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thẩm định, tham gia ý kiến có chất lượng đối với nhiều dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham gia có trách nhiệm về công tác cán bộ theo thẩm quyền; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tăng cường, đổi mới công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan.
Thay mặt lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu lên một số hạn chế cần lưu ý, đó là tính chủ động, chất lượng, chiều sâu trong công tác tham mưu, đề xuất ở một số đơn vị và trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế; một số công việc tiến độ chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...
Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo
Thời gian còn lại của năm, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu khẩn trương chuẩn bị nội dung, tài liệu, phục vụ tốt phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo của hai Ban Chỉ đạo trong năm 2021; kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên của hai Ban Chỉ đạo ngay sau khi Quốc hội thông qua công tác nhân sự tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Khẩn trương tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hoàn thiện, ban hành Kế hoạch, Đề cương, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập, quy chế làm việc, nội dung các cuộc hội thảo, tọa đàm để triển khai Đề án về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; hoàn thành xây dựng Đề án về sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thiện, ban hành quy định về kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ban hành và tổ chức tốt Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh dứt khoát hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư các Đề án còn lại, không để kéo dài thêm: Đề án kiểm soát quyền lực; Đề án nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án tiêu chuẩn chức danh cán bộ Ngành Nội chính; Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận 10 - KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các đề án, đề tài khoa học năm 2020, triển khai thực hiện các đề tài, đề án khoa học năm 2021,2022. Rà soát các vụ án, vụ việc, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, nhất là tham mưu chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 8 vụ việc trong năm 2021 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo 110...
Hội nghị thống nhất, những tháng cuối năm 2021, Ban Nội chính Trung ương tập trung hoàn thành 07 Đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch, gồm: “Quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII và đáp ứng tình hình mới”; "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng"; “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”; “Về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026”; Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; “Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong đó, tập trung cao độ triển khai Đề án về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; tham mưu đúng và kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 02 Ban Chỉ đạo chỉ đạo có hiệu quả đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Ban Nội chính Trung ương theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hội nghị giao ban công tác nội chính hằng tháng; tăng cường công tác nắm tình hình, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tôn giáo, dân tộc.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, thẩm định và tham gia ý kiến đối với các dự án luật, các đề án, văn bản quan trọng có liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và do các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến; tiếp tục làm tốt công tác tham gia ý kiến về công tác cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; bám sát vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo để theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc để kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo; thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; thực hiện Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan liên quan...