Mố trụ đôi chống đỡ cầu máng bị sụp lún, lòi sắt thép ra ngoài.
|
Cầu máng này thuộc kênh chính Tây của Công trình hồ chứa nước Sông Dinh 3.
Cầu máng số 3 có chiều dài 320 m, có vốn xây dựng 5,2 tỷ đồng đã bị sập gãy một đoạn dài 120 m vào tháng 6/2016. Được xây từng lốc bằng bê tông để dẫn nước, mỗi lốc cầu dày 30 cm, hình khối vuông, có cạnh 2,2 m và dài khoảng 10 m/lốc. Dưới gầm cầu là 12 mố trụ đôi đều sụt lún, vỡ trơ cốt thép.
Nguyên nhân ban đầu cho rằng cầu máng bị đổ sập là do yếu tố trời mưa lớn tạo ra lũ quét làm hư hỏng, lún sụp. Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam là đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện công tác giám định nguyên nhân sự cố trên.
Theo kết luận, sự cố sập, gãy cầu máng số 3 thuộc công trình kênh chính Tây hồ Sông Dinh 3 sai từ thiết kế đến thi công và bị gãy, sập là hoàn toàn không phải do ảnh hưởng của mưa lũ như báo cáo trước đây của Ban quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trung tâm quản lý dự án và tư vấn xây dựng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị giám sát đã có văn bản bác kết luận này và cho rằng, Viện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã bỏ qua nhiều khâu khi xác định nguyên nhân sập gãy cầu máng số 3 “là chưa phù hợp”. Trong khi đó, Công ty xây lắp Cửu Long đơn vị thi công cầu máng số 3 cũng có văn bản bác bỏ kết luận cho rằng, bê tông không đạt chất lượng.
Trước việc tranh cãi kéo dài này, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Tổ điều tra sự cố. Căn cứ báo cáo giám định nguyên nhân sự cố hạng mục Cầu máng số 3 của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Sở Xây dựng Bình Thuận đã có kết luận về nguyên nhân sập cầu máng số 3: có hai nguyên nhân gây sập cầu máng.
Nguyên nhân thứ nhất là do lỗi chủ quan từ đơn vị tư vấn thiết kế. Cụ thể, đơn vị này đã tính sai số học 50% giá trị lực thẳng đứng tác dụng vào trụ, bỏ qua một số tải trọng gây ra do dòng chảy mưa lũ cuốn theo bùn cát đổ vào kênh và cầu máng, áp lực thủy động, lớp nước mưa trên mặt cầu máng, lực ma sát gối đỡ do dãn nở và co ngót nhiệt độ thân máng.
Đơn vị này đã đơn giản hóa về trường hợp tính toán, sơ đồ tính toán, điểm đặt lực bị lệch tâm gây bất lợi… Nên dẫn đến việc lựa chọn kích thước và kết cấu mặt cắt ngang cột trụ cầu máng không đảm bảo an toàn chịu lực.
Nguyên nhân thứ hai là do chất lượng bê tông không đồng đều, có nơi, có kết cấu, chất lượng bê tông không đảm bảo thiết kế, nhiều trụ đỡ cầu máng đã có dấu hiệu xuống cấp như nứt, bong tróc, trám trét trước đó. Biện pháp thi công không phù hợp, thời gian gián đoạn giữa các đợt đổ bê tông đối với kết cấu trụ cầu máng không phù hợp, gây nguy hiểm cho kết cấu.