Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các tác giả đoạt giải A. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Tới dự và chia vui cùng lực lượng báo chí Cách mạng Việt Nam có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cấp hội nhà báo ở Trung ương và địa phương cùng đông đảo các tác giả đoạt giải.
Theo Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp hội (59/63 hội nhà báo tỉnh, thành phố dự giải), với 1.637 tác phẩm báo chí từ 214 đơn vị, cá nhân gửi tham dự.
Các tác phẩm dự giải bám sát các sự kiện nổi bật năm 2016, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, tuyên truyền sâu đậm về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản ánh kịp thời các diễn biến của đời sống xã hội, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước, tình hình biển đảo, phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, gương người tốt việc tốt, đấu tranh chống các thế lực thù địch, tham nhũng, tiêu cực… Điểm nổi bật của mùa giải năm nay là chất lượng các tác phẩm dự thi khá đồng đều, không có sự cách biệt lớn về chất lượng giữa tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Đặc biệt, nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) và tin, phóng sự, ký sự (báo hình) đã xuất hiện nhiều tác phẩm của địa phương được Hội đồng giám khảo đánh giá tốt.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, báo chí đã phát hiện, biểu dương những gương điển hình tiên tiến; phát hiện, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ... Trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng - chính trị, báo chí tiếp tục là lực lượng đi đầu kiên quyết phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thông tin trung thực, nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, báo chí đồng thời làm tốt vai trò diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Người làm báo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông và tạo được hiệu quả xã hội...
Qua vòng chấm sơ khảo, 129 tác phẩm được Hội đồng chung khảo chấm giải ở 11 thể loại. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, phản ánh được những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả có 95 tác phẩm đạt giải, trong đó có 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải Khuyến khích.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải A cho tác giả Cao Thùy Giang thuộc Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Các Liên Chi hội, Hội Nhà báo địa phương có 48 tác phẩm đoạt giải (chiếm hơn 50%). Liên Chi hội nhà báo, cá nhân nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có 5 tác phẩm đoạt giải, trong đó: 1 giải A (tác phẩm “Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không nhảy múa?”) - thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử); 1 giải B (tác phẩm “Cô bé chân voi và cuộc chiến 12 năm kiên cường”) - thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử); 3 giải C (tác phẩm “Cuộc chiến khô - mặn: Nỗi đau “kép” của hàng triệu người nông dân”) - thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử), (tác phẩm “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam - Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới”, và tác phẩm “Khô hạn và xâm nhập mặn tàn phá Kiên Giang”) - thể loại Ảnh báo chí.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước, của các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo. Chủ tịch nước nêu rõ: 92 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam thực sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió” và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi công và tri ân các nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong suốt hơn 30 năm đổi mới nói chung và trong năm 2016 nói riêng, báo chí nước nhà đã có những đóng góp to lớn và quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò xung kích, những đóng góp to lớn của báo chí cả nước trong việc tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đề cập tới những yêu cầu, nhiệm vụ mới của báo chí nước nhà trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đẩy mạnh việc phát hiện, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội. Chủ động phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin; bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế trong công nghệ làm báo. Các cấp hội nhà báo cần phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết rộng rãi hội viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII), gắn với thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nêu cao tính trung thực, nhân văn và đạo đức người làm báo cách mạng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục cải tiến, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia, thu hút ngày càng nhiều tác phẩm xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên, khen thưởng kịp thời những tác giả và tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà ngày càng phát triển. Chủ tịch nước đề nghị đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đoàn kết, tập hợp và bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên - nhà báo cả nước. Các cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016.