Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài 1:  Xây dựng niềm tin để lắng nghe và thấu hiểu

Thông tin trên mạng xã hội ngày nay tính tương tác cao, nhanh và sự lan tỏa lớn, đã ảnh hưởng lớn đến báo chí chính thống. Tuy nhiên, điều này không những không làm suy giảm vai trò của báo chí chính thống mà còn giúp báo chí truyền thống thể hiện tốt vai trò chủ đạo dẫn dắt thông tin kinh tế - xã hội.

Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp (DN) là quan hệ tương hỗ, hai bên đều rất cần nhau. Tuy nhiên thời gian qua, trước tác động của những tin đồn, tin sai sự thật bùng nổ trên mạng xã hội, nhiều DN có sự e dè, ngại, né tránh trao đổi cung cấp thông tin với báo chí. Có thể nhận thấy, bên cạnh việc phải chịu sự "tấn công" từ những thông tin sai lệch, không kiểm chứng trên mạng xã hội thì đâu đó vẫn còn những bài báo phán ánh thông tin chưa khách quan, một chiều gây hiểu lầm cho doanh nghiệp cùng là một lý do khiến DN đóng mọi cánh cửa thông tin.   

Để báo chí hoạt động tích cực, nhiều năm qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý báo chí đã đưa ra các giải pháp để quản lý, giám sát lĩnh vực nóng bỏng này. Quy hoạch báo chí, siết chặt tôn chỉ mục đích hoạt động, tăng cường thanh tra. Các giải pháp đang phát huy tác dụng rõ rệt. Nhưng vẫn còn những con sâu làm "rầu nồi canh" chưa thể bị quét sạch trong ngày một ngày hai.

Trong bối cảnh thông tin mở như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trên lĩnh vực truyền thông, chủ động cung cấp những thông tin kịp thời cho báo chí. Có như vậy, báo chí và doanh nghiệp mới đối thoại được một cách minh bạch, neo giữ được sự tin cậy của người đọc ở thông tin chuẩn xác, có độ tin cậy cao.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết với tiêu đề "Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp" xoay quanh những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
 Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại một hội thảo. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Bài 1:  Xây dựng niềm tin để lắng nghe và thấu hiểu

Tình trạng tin đồn, tin giả thời gian qua diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí và cả các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, nhất là các doanh nghiệp. Có thể nhận thấy, nhiều doanh nghiệp điêu đứng trong xòng xoáy của tin đồn, tin không đúng sự thật và cũng đã có không ít doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi.Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí chính thống càng cần phát huy hơn nữa trong việc thông tin chính xác về hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng niềm tin để lắng nghe, cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp từ đó góp phần phản bác đẩy lùi thông tin giả, tiêu cực, không đúng sự thật. Ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Thông tin đọc ở đâu đó có thể độc giả chưa tin tưởng nhưng nếu được một cơ quan báo chí chính thống đưa tin, đánh giá thì uy tín sẽ lên rất cao.

Doanh nghiệp lao đao vì tin đồn, tin giả bủa vây

Ngay khi thông tin về lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) bị bắt được tung lên hội nhóm của một mạng xã hội và dù chưa được kiểm chứng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thông tin này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt và kèm theo đó là đủ các thông tin khác được đăng tải dưới phần bình luận mà cũng chả có xác thực nguồn gốc.

Thực tế cho thấy, những thông tin này đã khiến cho giá cổ phiếu của DN này bị giảm và nhiều hoạt động khác liên quan đến ký kết hợp đồng bị đình trệ, thiệt hại tiền bạc đã hiện hữu nhưng hệ lụy phía sau thì còn chưa tính được.

Trao đổi câu chuyện này với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, một môi trường rất nhạy cảm về thông tin, đặc biệt là các tin đồn, tin không đúng sự thật. Ông Hưng chia sẻ, với các công ty đại chúng, các thông tin thị trường là hết sức quan trọng và với thông tin không chính xác về một DN nào đó sẽ gây tổn hại rất lớn cho các công ty đại chúng.

Đầu tiên là uy tín của công ty đối với nhà đầu tư bị nghi ngờ. Tiếp đó là cách hành xử của nhà đầu tư làm cho thị trường bị chao đảo, thậm chí có công ty không còn khả năng phục hồi sau những thông tin thất thiệt.

Có thể nhận thấy, không chỉ tin đồn, tin sai sự thật khiến doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại mà ngay cả cách đưa tin đưa phiến diện, chủ quan của một số báo cũng khiến các doanh nghiệp thu mình và “xù lông” khi tiếp cận DN.

Dưới góc nhìn của người đại diện cho các DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi, vẫn còn đâu đó những bài báo phán ánh thông tin không khách quan, một chiều, đôi khi gây ra hiểu lầm cho DN và đây cũng là một phần khiến tâm lý của không ít DN còn e ngại chia sẻ thông tin.

Để kiểm chứng những thông tin về thiệt hại của DN liên quan đến tin đồn, tin giả chỉ cần vài thao tác trên Google và thông tin người viết có được là tên của ông Hưng Chủ tịch SSI cũng xuất hiện. Câu hỏi được đặt ra với ông Hưng là sau những tin đồn, tin giả DN của ông thiệt hại ra sao? Sau phút đăm chiêu, ông Hưng chia sẻ, với SSI, việc xử lý các tin đồn rất hiệu quả, thực ra chúng tôi xem đó  là những cú sốc trong cuộc tập trận thay vì nói về thiệt hại. Thế nhưng, thực tế ở các DN khác, tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng rất khủng khiếp, như nhà đầu tư bán tháo, còn ở khu vực ngân hàng, khách hàng đến rút tiền ồ ạt gây hoang mang.

Một góc nhìn khác về tin đồn mà ông Chủ tịch SSI chia sẻ khá thú vị đó là những tin đồn đó không phải hoàn toàn mang tính tiêu cực cho DN, ngược lại có những tin đồn mang chủ đích cho DN và gây tổn hại cho nhà đầu tư. Như việc, người ta nói rằng có lợi thế này, lợi thế khác... và tung ra bằng nhiều con đường truyền thông khác nhau làm cho nhà đầu tư nhìn nhận sai về DN nhưng lại theo hướng có lợi cho DN.

Vậy doanh nghiệp cần gì ở báo chí thống lúc này? Một mối quan hệ cộng sinh, đồng hành, hay thấu hiểu để minh bạch thông tin, giúp cho thị trường trong sạch và mọi người có cái nhìn chính xác nhất về bất cứ một hiện tượng nào?

Định vị mối quan hệ bằng sự minh bạch, thấu hiểu

Chú thích ảnh
Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Khi được hỏi rằng phản ứng đầu tiên của ông là gì khi DN bị tấn công bởi tin đồn, tin giả, ông Chủ tịch SSI khẳng định: "Báo chí là cứu cánh của chúng tôi khi gặp phải những sự việc tương tự như vậy. Khi gặp những tin đồn không chính xác về mình chúng tôi thường tìm đến các đơn vị chính thống để được trả lời phỏng vấn, để được xuất hiện và qua đó có thể nói được hết tất cả những gì chính xác nhất về doanh nghiệp mình, về cá nhân trong DN mình để cho thị trường có thể hiểu và tiếp cận rõ hơn về những tin đồn thất thiệt".

Từ động thái này của một trong những công ty chứng khoán có ảnh hưởng nhất trên thị trường chứng khoán cho thấy trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, sự minh bạch, công khai và thông tin nhanh chóng, chính xác đến dư luận thông qua các kênh báo chí chính thống vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của DN.

Là cơ quan quản lý của 19 tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại DN luôn đánh giá cao vai trò cầu nối của báo chí chính thống đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN nhận định, thông tin trên mạng xã hội ngày nay tính tương tác cao, nhanh và sự lan tỏa lớn, đã ảnh hưởng lớn đến báo chí truyền thống. Tuy nhiên, điều này không những không làm suy giảm các vai trò của báo chí truyền thống mà còn giúp báo chí truyền thống thể hiện tốt vai trò chủ đạo dẫn dắt thông tin kinh tế - xã hội.  

“Báo chí cung cấp đầy đủ thông tin về kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp, thông tin về chủ trương chính sách đường lối pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó, doanh nghiệp có định hướng rõ ràng trong việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” ông Cảnh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, dù vẫn đang thể hiện được vai trò của mình nhưng báo chí chính thống cũng đang gặp không ít khó khăn, áp lực từ việc bị thu hẹp đối tượng bạn đọc do bùng nổ kênh thông tin mạng xã hội đến việc khó khăn khi tiếp cận doanh nghiệp để lấy thông tin.

Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ, theo nghiên cứu mới, tỷ lệ người dùng lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin cao hơn tìm kiếm trên báo chí chính thống đặc biệt là các bạn trẻ. Báo chí chính thống như báo in, truyền hình, phát thanh dường như chỉ thu hút người lớn tuổi.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết thêm, báo chí chính thống vì thế không thể đứng yên, một mặt cần giành lại niềm tin của độc giả bằng cách đưa thông tin chính thống, chính thức hơn, mặt khác báo chí cũng đã hiện diện trên mạng xã hội nhiều hơn, không chỉ trên Facebook, Youtube mà cả Zalo, Twitter, TikTok....

Từ góc nhìn của khu vực DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ,  cơ cấu của cộng đồng DN hiện có khoảng 1 triệu DN và 98% chủ yếu là DN nhỏ và vừa và trong số DN nhỏ và vừa này thì chiếm đến 70% là  DN gia đình.  Chính vì vậy cách quản trị DN, quy mô và cách thức tổ chức truyền thông của các doanh nghiệp này còn nhiều vấn đề. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp cũng muốn tiếp cận với các cơ quan báo chí nhưng chưa biết tổ chức thực hiện ra sao, theo hướng thế nào, bắt đầu từ đâu. Đây có lẽ cũng là cơ hội để báo chí tiếp cận xây dựng mối quan hệ.

Ông Lương Chí Công, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới chia sẻ, trong mối quan hệ giữa báo chí với DN việc đồng cảm, chia sẻ trên cơ sở hiểu biết là điều hết sức quan trọng. Nếu báo chí không có sự hiểu biết về doanh nghiệp, không đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ cùng doanh nghiệp thì rất khó nhận được sự chia sẻ từ doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần chia sẻ với báo chí bởi báo chí cần thông tin sớm, nhanh, đầy đủ để không chỉ thực hiện tin bài mà còn truyền tải những hoạt động đúng đắn minh bạch của tổ chức, doanh nghiệp đến với công chúng, giúp công chúng hiểu đúng, đầy đủ về doanh nghiệp.

Nhìn rộng ra trong câu chuyện quan hệ giữa báo chí và DN, có thể nhận thấy khó khăn, vướng mắc đến từ cả hai phía và để giải quyết mối quan hệ này trở thành những người đồng hành thì việc xây dựng niềm tin minh bạch, cảm thông và thấu hiểu là điểm mấu chốt.

Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả doanh nghiệp lớn, các bộ, ngành, địa phương, cách thức kết nối với truyền thông vẫn còn nhiều vấn đề. "Chúng ta đã có nhiều cuộc tập huấn về người phát ngôn, truyền thông chính sách, nhưng sự thông hiểu về hiệu quả của báo chí, sự hợp tác với báo chí của các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự thấu đáo", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Trong thời buổi thông tin kỹ thuật số phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, không có cách nào khác là phải hợp tác với nhau và tăng tính chủ động từ các phía để thông tin thông suốt và những thông tin chính thống chính thức có thể đến với độc giả nhanh nhất, theo con đường thẳng nhất.

Bài 2: Sự thật vẫn là 'đích' mà doanh nghiệp cần tìm đến

Đức Minh (TTXVN)
Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài cuối: Đồng hành vì sự phát triển
Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài cuối: Đồng hành vì sự phát triển

Lĩnh vực giao thông vận tải có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên luôn được các đại biểu Quốc hội, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN