Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Chu Hải Công, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, chiến lược thông tin bài bản định kỳ đã khiến báo chí không chỉ trở thành đối tác và mà còn trở thành “bàn đạp” giúp cho việc định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai, giúp nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh từ đó, thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của công chúng, nhất là những nhóm công chúng mục tiêu của ngân hàng.
Tuy nhiên, có thực tế, thời gian qua, khi đọc một số tít bài báo mang tính “giật tít, câu view”, bản thân đại diện lãnh đạo Ngân hàng MB cũng hết sức tâm tư. Những bài viết đó có thể không sai nhưng cũng chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng to lớn trong mối tương quan với truyền thông báo chí. Từ việc phát triển quá nóng hay còn gọi là xu hướng bong bóng cho tới khi thị trường ảm đạm được cộng đồng truyền thông hết sức quan tâm và tích cực phản ánh trên các kênh phương tiện.
Ở góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, báo chí luôn là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch.
Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, để vai trò này đi đúng hướng, các cơ quan thông tấn cần khai thác, phản ánh thông tin một cách đa chiều, hỗ trợ tối đa việc truyền tải thông tin hữu ích, góp phần củng cố thị trường bất động sản.
Thông tin cần được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm tính thời sự và kịp thời. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động các thành phần của thị trường tích cực hưởng ứng hoạt động theo đúng định hướng của Chính phủ, tuân thủ đúng luật lệ và các chính sách do Đảng và Nhà nước đề ra, ông Đính nhấn mạnh.
Ghi nhận sự đồng hành của báo chí và truyền thông trên hành trình phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh chia sẻ, báo chí là địa chỉ tin cậy, giúp các doanh nghiệp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Qua báo chí, doanh nghiệp cũng có diễn đàn quan trọng, hữu ích để các quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình.
Qua tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp thành viên, bà Thanh cho hay, những tin đồn ác ý giống như những quả bom công phá ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Bối cảnh ấy, vai trò của báo chí trong xử lý khủng hoảng truyền thông là rất quan trọng, giúp định hướng dư luận, giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp.
Bà Thanh ghi nhận, nhiều tờ báo kinh tế của Việt Nam hiện dành dung lượng khá lớn trên mỗi số báo để thông tin, tuyên truyền về những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm như tình hình thị trường, giá cả, cách thức quản trị doanh nghiệp, giới thiệu cổ vũ doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, phê phán doanh nghiệp làm ăn sai pháp luật…
Qua những thông tin trên báo chí về chủ trương, chính sách, hay thị trường, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thông tin và có những điều chỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này chứng tỏ báo chí đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù có nhiều tờ báo, song theo cảm nhận từ phía cộng đồng kinh doanh thì lượng thông tin về doanh nghiệp trên các ấn phẩm báo chí chính thống vẫn là chưa đủ.
Các doanh nghiệp ở quy mô dù lớn hay nhỏ, ở những mức độ khác nhau đều muốn có thông tin để vươn ra “biển lớn” hội nhập kinh tế thế giới, chiếm lĩnh thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh. Báo chí vừa là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, vừa là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp ra thế giới.
Mặt khác, qua báo chí, thế giới cũng biết về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội, đối tác cho hợp tác, đầu tư. Vì vậy, báo chí trở thành cầu nối, giúp họ tìm được những thông tin cần thiết. Song có một nghịch lý là việc báo chí tiếp cận được với doanh nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup, bà Lê Dung, một số đại diện doanh nghiệp vẫn có tâm lý "ngại" làm việc với báo chí, thậm chí có doanh nghiệp có tư tưởng nhà báo đến chỉ để "moi móc" việc xấu...
Do đó, theo bà Dung, báo chí và doanh nghiệp cần có cách nhìn nhận đúng đắn về nhau. Ngoài việc quảng bá cho sản phẩm, cho thương hiệu, việc thông tin của báo chí còn giúp ích cho doanh nghiêp trên nhiều lĩnh vực như cỗ vũ phong trào thi đua của công nhân lao động; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp trong mắt công chúng. Báo chí cũng góp phần chuyển tải ý kiến đề xuất của doanh nghiệp đến các cấp nhằm góp phần giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển...
Ông Chu Hải Công đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí cần xây dựng các chiến lược truyền thông mang tính số hóa, có sức lan tỏa lớn mạnh hơn. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư phát triển hệ sinh thái báo chí đa dạng và hiện đại để nâng cao hiệu quả truyền thông hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và báo chí cần có sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn để cùng chia sẻ, hợp tác và phát triển, Tổng Giám đốc Dgroup chia sẻ.
Bài cuối: Đồng hành vì sự phát triển