Báo chí góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần xây dựng Việt Nam phát triển, thịnh vượng

Theo xu hướng tất yếu của sự phát triển thông tin, truyền thông gắn với khoa học, công nghệ, việc sắp xếp hệ thống báo chí Việt Nam gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

Năm 2020, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (kèm theo Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ) đã cơ bản được hoàn thành. Tổng số cơ quan báo chí được giảm đi là 71, khiến cho bộ máy tinh gọn hơn. Hàng chục cơ quan báo chí đã chuyển loại hình hoạt động từ báo sang tạp chí chuyên sâu chuyên ngành, hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc. Năm 2021, việc quy hoạch báo chí sẽ tiếp tục được thực hiện để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

“Tổng kiểm tra sức khỏe” hàng trăm cơ quan báo chí

Đánh giá về việc quy hoạch báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Quy hoạch báo chí nhìn từ góc độ quản lý nhà nước thực sự là một đợt "tổng kiểm tra sức khỏe" của hệ thống hàng trăm cơ quan báo chí Việt Nam. Các cơ quan chủ quản báo chí cũng coi đây là một dịp để rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan ngôn luận của mình.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành khối lượng công việc lớn liên quan đến hàng trăm cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, bảo đảm yêu cầu tiến độ đề ra và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, thấu hiểu giữa cơ quan quản lý và một bộ phận cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc trực tiếp với các cơ quan chủ quản có báo chí phải quy hoạch, sắp xếp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành cấp phép chuyển đổi mô hình hoạt động từ báo thành tạp chí, sáp nhập, chuyển đổi cơ quan chủ quản chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tôn chỉ, mục đích của tạp chí thể hiện đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Các cơ quan quản lý trực tiếp ban hành cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành nhiều văn bản đôn đốc triển khai, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí.

Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí trong giai đoạn 2 năm (2019 - 2020) về cơ bản đảm bảo đúng phương án, lộ trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 17/KH-BTTTT ngày 4/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tính đến cuối năm 2020, đã có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Cụ thể, 9/13 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 32/33 tổ chức Hội; 21/31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã hoàn thành quy hoạch; 4/13 bộ, 1/33 tổ chức hội, 10/31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện quy trình xử lý hồ sơ quy hoạch. Hiện, các cơ quan đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định: Với Luật Báo chí chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, Quy hoạch báo chí đã được ban hành từ năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và với tầm nhìn, cách nghĩ, cách làm mới của Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông, công tác quản lý Nhà nước về báo chí gần 3 năm nay đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ từ cách làm cũ sang cách làm mới: Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để nắm bắt tháo gỡ khó khăn vướng mắc để cơ quan báo chí phát triển, đặc biệt là quan tâm giải quyết vấn đề "kinh tế báo chí" và chuyển đổi số trong báo chí. Công tác hậu kiểm, thanh tra xử lý vi phạm trong báo chí đã được thực hiện kiên quyết, bài bàn, đồng bộ, điểm mặt chỉ tên rõ những vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí. Cùng với đó là các giải pháp, động thái chấn chỉnh mạnh mẽ đối với các biểu hiện biến tướng, quan điểm lệch lạc trong cách làm báo, chấn chỉnh tình trạng hoạt động sai tôn chỉ, mục đích với động cơ không trong sáng. Quyền lực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí giờ đây cũng đã được Chính phủ trao thêm cho các địa phương, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác hậu kiểm, quản lý báo chí cả nước lên hàng chục lần.

Lan tỏa thông tin chính thống và giá trị tốt đẹp

Cũng theo Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, với những sứ mạng cao cả đã được Đảng, Nhà nước, xã hội trao cho, với những thành quả to lớn đã được ghi nhận. Nhưng không phải tờ báo nào hiện nay cũng làm đúng với sứ mạng này. Do vậy, đã đến lúc phải kiên quyết sắp xếp lại, chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong báo chí gây bức xúc cho xã hội, làm giảm niềm tin của xã hội cho báo chí, làm ảnh hưởng đến đội ngũ những người làm báo chân chính.

Chú thích ảnh
Ấn phẩm thông tin đồ họa của Thông tấn xã Việt Nam góp phần tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Năm 2020 không chỉ có những nỗ lực trong việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Trước những khó khăn, biến động về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ cũng đã có nhiều quyết sách chưa từng có để khẳng định cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vực dậy nền kinh tế, động viên những nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động dành 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách được cấp năm 2020 để đặt hàng đối với hàng chục cơ quan báo chí sản xuất tin, bài về phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục đặt hàng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nguồn kinh phí này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều cơ quan báo chí đang gồng mình tồn tại trong hoàn cảnh đại dịch và xu hướng suy giảm nguồn thu quảng cáo.

Không chỉ có vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua trình Thủ tướng Chính phủ một Đề án lớn, thực hiện trong 5 năm tới, nhằm hỗ trợ báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, với nhiều đề xuất mang tính đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Nếu được phê duyệt đi vào thực hiện, đây sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho việc Chính phủ luôn hài hòa  giữa nhu cầu quản lý và phát triển báo chí: quy hoạch báo chí gắn với những giải pháp căn cơ về quản lý, phát triển sẽ giúp cho nền báo chí Việt Nam có hành lang pháp lý rõ ràng, có nguồn lực để phát triển đúng hướng, lành mạnh, giúp người làm báo chân chính có thể sống được bằng nghề.

Những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2020 trong lĩnh vực quản lý báo chí cũng dự báo một năm 2021 tiếp tục bận rộn và sôi động. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, cấp phép lại cho hàng loạt cơ quan báo chí để làm rõ những yêu cầu về tôn chỉ, mục đích, loại hình hoạt động; hoàn thành việc cấp đổi toàn bộ thẻ nhà báo giao đoạn 2021 -2025 với quy trình rà soát chặt chẽ, khẳng định vinh dự và sứ mệnh đặc biệt của người được cấp thẻ; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí để kiến nghị những sửa đổi căn bản giúp báo chí phát triển. Các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục thực hiện Quy hoạch báo chí kết hợp với việc hoàn thiện thể chế về kinh tế báo chí; xây dựng Đề án thành lập các Tổ hợp truyền thông Nhà nước chủ lực, đa phương tiện, có khả năng cạnh tranh, lan tỏa thông tin chính thống và giá trị tốt đẹp của người Việt Nam trong các không gian truyền thông mới; điều tiết, định hướng thông tin báo chí băng công nghệ, bằng số liệu lớn, hỗ trợ báo chí trong tiến trình chuyển đổi số.

Báo chí cách mạng Việt Nam thực hiện tốt Quy hoạch báo chí, với nguồn lực mới và ý thức rõ nét hơn về sứ mệnh sẽ phát triển lành mạnh truyền đi mội năng lượng tích cực, thực sự phán ánh được dòng chảy chính, tạo được niềm tin, sự đồng thuận xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để xây dựng một Việt Nam phát triển, thịnh vượng – Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.

Phúc Hằng (TTXVN)
Đắk Nông: Ban hành văn bản về cung cấp thông tin, phát ngôn báo chí
Đắk Nông: Ban hành văn bản về cung cấp thông tin, phát ngôn báo chí

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký công văn gửi các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN