Đáng chú ý, báo Donga Ilbo đăng bài với tiêu đề “Thành công của Hàn Quốc là thành công của Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu như vậy trong bài nói chuyện tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Seoul. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng trao đổi và hợp tác với Hàn Quốc. Ông cũng đề cập những điểm tương đồng trong văn hóa giữa hai nước như: người Hàn Quốc có câu nói ‘Giáo dục là chính sách 100 năm”, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".
Báo trích dẫn phát biểu của Hiệu trưởng Đại học quốc gia Seoul Yoo Hong-lim cho biết trong 10 năm qua, khoảng 600 sinh viên Việt Nam đã theo học tại Đại học Quốc gia Seoul. Hiện tại trường có 46 sinh viên Việt Nam đang theo học. Hiệu trưởng Yoo cho biết trường có kế hoạch tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nghiên cứu với Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo Hankuk Kyongjae đăng bài viết “Nơi hoàn hảo cho một nhà máy bán dẫn” trong đó có nội dung Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn Hàn Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến 3/7 đã gặp Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong và đề cập đến kế hoạch thu hút đầu tư bán dẫn, rồi sau đó đã đến thăm nhà máy bán dẫn Samsung tại Pyeongtaek. Tỉnh Bắc Giang của Việt Nam đang được nhắc đến như một ứng cử viên hàng đầu cho địa điểm đầu tư.
Theo tờ báo này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích đầu tư vào bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nêu rõ Việt Nam “sẽ thúc đẩy hệ sinh thái trong các lĩnh vực này”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam sẽ nỗ lực bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao, cải thiện hệ thống và phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tốt nhất cho các công ty đầu tư vào phát triển ngành bán dẫn”.
Theo báo Hankuk Kyongjae, sự chú ý đang tập trung vào việc liệu động thái này có thực sự dẫn đến việc triển khai đầu tư lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam hay không. Nếu đầu tư bán dẫn trở thành hiện thực, khu vực Bắc Giang gần Hà Nội đang được đề cập đến như là một trong những địa bàn thuận lợi cho các công ty Hàn Quốc thâm nhập thị trường.
Do Samsung sản xuất gần 50% tổng sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam nên khả năng đầu tư bán dẫn trên thực tế không thể coi là thấp. Điều này là do điện thoại thông minh chủ yếu sử dụng chất bán dẫn bộ nhớ DRAM đa năng như LPDDR. Tổng đầu tư của Samsung vào Việt Nam đến nay lên tới xấp xỉ 22,4 tỷ USD. Với hơn 90.000 công nhân làm việc tại địa phương, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt khoảng 55,7 tỷ USD. Samsung hiện không chỉ sản xuất điện thoại thông minh mà còn sản xuất thiết bị mạng, TV, màn hình và pin tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Báo Hankuk Kyongjae dẫn lời Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong cho biết công ty đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực màn hình và trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất màn hình lớn nhất thế giới.