Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội "núp bóng" hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng năm 2030 được gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền thông công tác phòng, chống dịch COVID-19; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội...
Chùm bài "Báo chí khơi dậy khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc" sẽ nhìn lại lĩnh vực báo chí Việt Nam trong năm 2021; chỉ ra những điểm còn hạn chế và đề xuất giải pháp để giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại, kéo dài nhiều năm trong hoạt động báo chí.
Bài 1: Tạo diện mạo mới cho hệ thống báo chí
Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế báo chí bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cơ quan báo chí hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động. Tuy nhiên, báo chí vẫn thể hiện rõ vai trò của một trong những lực lượng tuyến đầu trong việc tuyên truyền đầy đủ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội... quan trọng của năm 2021. Việc quy hoạch báo chí góp phần làm lành mạnh hơn hệ thống báo chí. Đồng thời, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều cơ quan báo chí đã chuyển đổi số thành công, mang đến một diện mạo mới.
Bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích
Tính đến 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam), 1 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội).
So với năm 2020, số lượng cơ quan báo giữ nguyên; tăng 37 cơ quan tạp chí. Hiện có 316 tạp chí khoa học theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Báo chí năm 2016, trong đó chủ yếu thực hiện loại hình in. Các tạp chí khoa học đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, thực hiện thêm loại hình tạp chí điện tử. Theo Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN ngày 8/11/2021 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có 260 tạp chí khoa học trong danh mục được tính điểm.
Sau ba năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc triển khai được thực hiện bài bản, cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2, giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng. Đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (không còn cơ quan báo chí thuộc tổ chức Hội); 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp lại giấy phép hoạt động của hàng chục cơ quan báo, tạp chí, qua đó đã làm rõ thêm các khái niệm, nội hàm, nêu rõ nghĩa vụ của cơ quan báo chí trong việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.
Việc thực hiện quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo), tới năm 2021, cả nước đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%). Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép chặt chẽ, tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng, tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, việc cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí, cấp thêm loại hình báo chí, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí được thực hiện thận trọng, khách quan, khoa học, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Đảng. Nội dung quy định giấy phép hoạt động báo chí đảm bảo cụ thể, khoa học, chặt chẽ. Việc cấp phép tạp chí đảm bảo quy định tôn chỉ, mục đích rõ ràng, thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành; hình thức thể hiện đầy đủ, rõ ràng cụm từ "tạp chí" trên măng sét và giao diện trang chủ, tránh tình trạng "báo hóa" tạp chí.
Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1, sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ chú trọng đến những giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển đúng hướng: giải quyết căn cơ câu chuyện kinh tế báo chí và chuyển đổi số báo chí; tập trung cho các đề án xây dựng hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện ở tầm quốc gia; củng cố phát triển hệ thống các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội; có chính sách hỗ trợ, nâng cao thứ hạng, uy tín của các tạp chí khoa học, đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối, tồn tại kéo dài nhiều năm trong hoạt động báo chí.
Chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều
Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Số lượng phát hành, quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm, nhiều cơ quan báo chí phải giảm trang, giảm kỳ xuất bản, một số cơ quan báo chí phải tạm ngừng xuất bản bản in trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách tăng cường tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ quan báo chí in không phát hành được đến tay người dân và cơ quan quản lý nhà nước đã phải huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các cơ quan báo chí. Doanh thu của nhiều đài giảm mạnh, có đài sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông. Riêng thị trường truyền hình trả tiền phát triển ổn định, số lượng thuê bao, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong năm 2021 tăng trưởng nhẹ.
Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí) cho thấy, tổng doanh thu 3 năm giảm (doanh thu trong năm 2021 tính đến tháng 9/2021), cụ thể, năm 2019 là 3.091 tỷ đồng, năm 2020 là 2.115 tỷ đồng, năm 2021 là 2.123 tỷ đồng, giảm 31,4% so với 2020. Trong đó, tổng doanh thu khối báo: năm 2019 là 2.784 tỷ đồng, năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng, giảm 30,6% so với 2020; tổng doanh thu khối tạp chí: năm 2019 là 307 tỷ đồng, năm 2020 là 259 tỷ đồng, năm 2021 là 170 tỷ đồng, giảm 29,4% so với 2020.
Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác truyền thông, báo chí vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Là diễn đàn tin cậy của nhân dân, báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021; nêu bật các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, quyết liệt của Đảng, Chính phủ để hoàn thành mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; tham gia cùng các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Báo chí góp phần tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên; chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động, giàu tiềm năng phát triển.
Đáng chú ý, bắt kịp xu thế của chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo. Nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã rõ nét, thể hiện bằng việc ban hành các kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số.
Nhiều cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, kênh chương trình, thực hiện bản tin, chương trình trực tiếp, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh; tăng tỷ lệ chương trình tự sản xuất, hướng tới việc thay thế dần các chương trình khai thác từ nước ngoài. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, trao đổi chương trình được các đài phát thanh truyền hình đẩy mạnh vừa tạo ra những chương trình hay, hấp dẫn khán, thính giả, vừa tạo thêm nguồn thu quảng cáo để bù đắp chi phí, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đánh giá về vai trò của báo chí trong năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Trong công cuộc chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội năm qua, báo chí truyền thông đã đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau động viên người dân, doanh nghiệp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan báo chí đã kịp thời quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đồng thời định hướng tư tưởng, hành động của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn do dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Theo Phó Thủ tướng, nhìn lại 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vẫn tăng trưởng thuộc nhóm khá trên thế giới. Lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trong chống dịch, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Kể cả trong những thời khắc dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, gây quá tải hệ thống y tế, để xảy ra tử vong nhiều người, tỷ lệ người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước vẫn cao nhất thế giới. Có được điều đó trước hết là truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và có sự đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, trong đó có báo chí, hệ thống tuyên giáo. Các nhà báo thực sự là những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch kịp thời phản ánh những tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cực kỳ cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam.
Bài 2: Không để báo chí tụt hậu với sự phát triển công nghệ