Tại tòa soạn The Guardian (Anh), công cụ Typerighter đã được tích hợp vào phần mềm chỉnh sửa nội bộ hiện có Composer. Công cụ này lấy thông tin từ hướng dẫn mẫu của tờ báo và gắn cờ khi các nhà báo sử dụng các thuật ngữ không chính xác. Do đó, các nhà báo có thể sử dụng từ các công cụ soạn thảo văn bản và Typerighter hoạt động giống như một công cụ soạn thảo nổi tiếng Grammarly phiên bản Guardian, trợ giúp cho các nhà báo mà vẫn duy trì chất lượng của bài viết.
The Guardian được coi là một tờ báo kiểu mẫu trong chuyển đổi số, khi đảm bảo các yếu tố: tạo nhiều doanh thu từ nguồn kỹ thuật số hơn nguồn sản phẩm in; tạo nhiều doanh thu từ độc giả hơn từ quảng cáo; đạt tăng trưởng doanh thu thuần nhờ nguồn tiền từ kỹ thuật số một cách nhanh chóng và có nhiều đăng ký đọc báo mạng hơn đăng ký mua báo in.
The New York Times (Mỹ) cũng là một trong những điển hình về chuyển đổi số thành công nhất. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy chiếm 85 - 90% thì hiện nay, nguồn thu từ báo số (digital) vượt báo giấy. Ngoài hoạt động thu phí, tờ báo còn có nhiều hoạt động khác như thương mại điện tử, kết nối với các đối tác để sản xuất nội dung trên các nền tảng số tạo thêm nguồn thu. Nói về quá trình chuyển đổi số của tòa soạn, ông Nick Rockwell, Giám đốc công nghệ của The New York Times, cho rằng sứ mệnh cốt lõi của tờ báo là để phục vụ bạn đọc, dù là cung cấp thông tin thời sự theo lựa chọn của tòa soạn, hay thiết kế nội dung cá nhân hóa bằng tính năng gợi ý sử dụng thuật toán đều hướng đến việc người đọc trở thành người đăng ký trả tiền đọc báo dài hạn.
Gần đây, nhóm NYT Open đã đi sâu vào một chủ đề rất được quan tâm: làm thế nào để giới thiệu các bài viết phù hợp cho độc giả xem tiếp theo. Công cụ phân loại sở thích đã được chọn như một trong số các đầu vào mà thuật toán sử dụng để tính toán những đề xuất bài viết phù hợp. Tuy nhiên, NYT Open cũng cho rằng con người vẫn cần có sự giám sát, giống như nhiều hệ thống ra quyết định dựa trên AI khác.
Với Wall Street Journal (WSJ), kênh truyền thông này muốn thu hút các thành viên mới và ít tương tác quay lại với trang web thường xuyên hơn. Đầu tiên, hằng ngày họ gửi một email cung cấp một liên kết đến phiên bản PDF của ấn bản in cho độc giả. Tiếp đó, những thay đổi nhỏ hơn thể hiện các đặc điểm hình thành thói quen và mang lại kết quả hữu hình. Liên kết "Xem danh sách theo dõi" nổi bật trên màn hình trang chủ đã dẫn đến việc tăng 90% số lượng khách truy cập vào tính năng đó. Liên kết "Podcast" mới trong điều hướng đã thúc đẩy lượt phát Podcast tăng 16% trong tháng đầu tiên. Nhóm nghiên cứu của WSJ cho biết đã đạt được thành công lớn khi giới thiệu tính năng "Nghe bài viết này". Tính năng chuyển văn bản thành giọng nói đã cung cấp phiên bản âm thanh của mọi tin, bài trên WSJ.com.
Từ năm 2018, báo The Washington Post đã ra mắt công nghệ AI "Heliograf" để tạo ra các câu chuyện tin tức và cảnh báo cho độc giả. Heliograf sử dụng các thuật toán máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo các tin bài về nhiều chủ đề, bao gồm thể thao, chính trị và kinh doanh. Hãng tin Reuters với nền tảng News Tracer sử dụng AI để tạo các tin bài tài chính từ năm 2015. Tương tự, các hãng tin AP, Bloomberg, BBC… cũng đã sử dụng AI để sản xuất tin bài về nhiều chủ đề như kinh doanh, tài chính và kinh tế, thậm chí BBC tạo hẳn một công cụ có thể xác định các câu chuyện tin tức giả mạo. Các ví dụ này cho thấy tiềm năng của AI trong việc cải thiện hiệu quả và tốc độ sản xuất tin tức, đồng thời duy trì chất lượng và độ chính xác của nội dung tin tức.
Báo South China Morning Post (SCMP - Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) cũng là một trong những tòa soạn đi đầu về số hóa. Điều đặc biệt quan trọng là dữ liệu và theo dõi, giám sát, phân tích không giới hạn. Với sự giúp đỡ của các công cụ phân tích, tòa soạn cố gắng nắm được những gì đang được đọc ở mỗi khu vực khác nhau. Ngoài việc theo dõi lưu lượng truy cập tổng thể, nhóm kỹ thuật còn lọc số liệu sâu hơn theo vị trí địa lý, phân loại lưu lượng truy cập và đi sâu vào các chi tiết cụ thể.
Trước đây, bộ phận công nghệ thông tin chỉ được liên hệ khi máy tính có sự cố, nhưng giờ SCMP gọi đây là nhóm sản phẩm và họ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp định hình nền tảng tòa soạn theo cách có thể tiếp cận, thu hút và giữ chân công chúng. Chẳng hạn, SMCP triển khai thử nghiệm với các công cụ kể chuyện thông qua một trang kiến thức cố bắt chước khám phá của Google về mặt dự đoán các câu hỏi mà độc giả muốn hỏi. Như vậy, tiếp nối sự thành công quy mô lớn của chiến lược định hướng đăng ký thuê bao, SCMP đã chuyển đổi thành nhà sáng tạo số với việc áp dụng bộ phân tích Chartbeat để tăng tỷ lệ nhấp vào dòng tiêu đề, tối ưu hóa trang chủ và các trang bài cũng như đánh giá xu hướng thực của độc giả theo thời gian.
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành tháng 4/2023, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho quá trình chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, được xem là cơ sở để giúp báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, dư luận xã hội
Theo chiến lược, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, trong đó ưu tiên các nền tảng trong nước; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Để triển khai hiệu quả chiến lược này, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia, đồng thời công bố bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, với 42 tiêu chí.
Báo cáo xu hướng mới nhất của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm 2022 chỉ ra một số điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là các chiến lược số mà nhiều tòa soạn đang áp dụng. Về phía loại hình báo chí số, cũng như sự lựa chọn của công chúng, báo cáo cho thấy sự lên ngôi của phát thanh số, khi loại hình Podcast ngày càng được đón nhận rộng rãi trên các nền tảng tin tức. Các dự báo thời gian tới tập trung vào những vấn đề đang nổi bật hiện nay như: việc ứng dụng AI, chuỗi khối (blockchain), Web3 hay Metaverse (vũ trụ ảo). Thực tế, một số tòa soạn báo thử nghiệm phỏng vấn nhân vật, với cách họ gọi là “đi vào trong” metaverse. Financial Times tiên phong trong cuộc phỏng vấn Giám đốc cấp cao của Meta - Nick Clegg. Sau đó, giới báo chí ở một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có thử nghiệm tương tự mà họ đều cho thấy là “một nơi tuyệt vời” để tiến hành phỏng vấn. Năm 2022, báo SCMP cũng thử nghiệm việc mã hóa các bài báo quan trọng, hình ảnh và các dữ liệu khác dưới dạng token không thể thay thể (NFT), ứng dụng công nghệ blockchain, có thể trao đổi, mua bán, sưu tập mà không sợ bị giả mạo.
Các thống kê cho thấy những xu hướng báo chí đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn với hoạt động chuyển đổi số, từ cá nhân hóa nội dung, báo chí đa nền tảng, báo chí di động, báo chí sáng tạo báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, cho đến siêu tác phẩm báo chí, Podcast... Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, độc giả có nhu cầu tiếp cận thông tin trên nhiều nền tảng hơn, đòi hỏi các cơ quan báo chí và nhà báo phải đến với công chúng bằng nhiều cách. Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Nhưng dù có chuyển đổi theo hướng nào thì nhiệm vụ trọng tâm vẫn là hướng đến phục vụ độc giả với phương châm “nơi nào có công chúng, nơi đó có báo chí”.