Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, một số bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tấm gương điển hình tiên tiến tham dự Đại hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Nhờ vậy, phong trào thi đua yêu nước tại các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực và được đổi mới cả về nội dung, hình thức, cách tổ chức triển khai thực hiện, tạo không khí phấn khởi, sự nỗ lực bứt phá, sức lan tỏa, động lực mới thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngay sau khi được thành lập, Ủy ban rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, xem đây là một trong những giải pháp, động lực quan trọng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao, với trọng trách “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Các phong trào thi đua do Ủy ban phát động đều gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với việc tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo không khí phấn khởi, sự nỗ lực bứt phá và tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy về đích sớm các nhiệm vụ chính trị được giao.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đồng bộ, bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, các đơn vị, doanh nghiệp đã sát cánh cùng chính quyền địa phương và người dân chung tay thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình giao thông, điện lưới, trường học… được các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ xây dựng tại nhiều địa bàn nông thôn khó khăn, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai hiệu quả với nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo như giải quyết việc làm cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai tích cực, góp phần thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững… Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trong công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, Ủy ban có 245 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 192 tập thể và 457 cá nhân được tặng Huân chương các loại; 270 tập thể và 975 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 11 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 1.626 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua cấp Bộ; 5.699 lượt tập thể và 14.071 lượt cá nhân được tặng Bằng khen cấp Bộ, 5.243 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.
Đại hội đã biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Tại Đại hội, 8 tập thể đã được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ, 9 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 30 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu đại diện cho gần 600.000 lao động của 19 tổng công ty, tập đoàn thuộc Ủy ban được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng, chuyên môn và các đoàn thể quần chúng trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo cho hoạt động thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Ủy ban tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên với mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao của từng đơn vị, doanh nghiệp. Các nội dung của phong trào thi đua phải bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, Ủy ban ưu tiên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng, phát sinh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để các tập đoàn, tổng công ty phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, phát huy tinh thần kiến tạo, tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực nhà nước giao. Ủy ban phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.