Dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, quá trình triển khai thi hành Luật cho thấy đã xuất hiện nhiều bất cập, trong đó phải kể đến nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Tình trạng này tại một số địa phương vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp...
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết, nhằm bổ sung các chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch, phát huy nguồn lực đất đai.
Góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần có cơ chế pháp lý đầy đủ hơn về xác định tư cách chủ thể trong các biến động về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với người sử dụng đất là hộ gia đình theo hướng điều chỉnh thành nhóm cá nhân sử dụng đất là thành viên gia đình và các thành viên thuộc nhóm cá nhân sử dụng đất này tham gia giao dịch theo cơ chế về sở hữu chung theo phần. Trong đó, Luật Đất đai cần quy định cụ thể hơn căn cứ xác định thành viên hộ gia đình sử dụng đất, cơ chế xác lập, thực hiện, hủy bỏ, vô hiệu giao dịch nói chung, giao dịch bảo đảm nói riêng khi chỉ có một, một số thành viên của hộ gia đình sử dụng đất tham gia xác lập, thực hiện giao dịch.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã phản ánh thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong những năm vừa qua và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với vấn đề này; những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, những bài học kinh nghiệm và nguyên nhân; quan điểm của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013...
Nhiều ý kiến cũng nhận định, hiện nay, giữa Luật Đất đai năm 2013 và các luật trong hệ thống pháp luật còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Việc sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp; cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định tại các đạo luật khác nhau để bảo thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; bổ sung các quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 52 Hiến pháp.
Ghi nhận góp ý của các đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, các ý kiến là một trong những cơ sở quan trọng để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét tổng thể về kỹ thuật lập pháp, các vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai năm 2013 để có những ý kiến góp ý quan trọng cho Ban soạn thảo trong quá trình sửa đổi sắp tới.