Bảo đảm tính trang nghiêm và chiều sâu văn hoá của Bảo tàng Hồ Chí Minh

Sáng 24/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khảo sát thực tế và trao đổi với lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh về một số vấn đề liên quan đến việc chỉnh trang, đầu tư công nghệ, chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2019) và 130 năm ngày sinh của Người (năm 2020).

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô giúp xây dựng năm 1985, khánh thành ngày 19/5/1990. Qua 27 năm hoạt động, bảo tàng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh tới đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

Hiện, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 1,3 triệu khách tham quan. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, hệ thống cơ sở vật chất của bảo tàng luôn được quan tâm cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển của thế giới hiện nay, bảo tàng cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập, nhiều hạng mục ngoại cảnh, khu dịch vụ, hệ thống trưng bày rất cần được đầu tư, chỉnh trang, đổi mới.

Việc chỉnh trang, đổi mới bảo tàng hướng đến việc tạo môi trường chuyên nghiệp, thuận lợi, cảnh quan gọn gàng, sạch sẽ, văn minh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan; xây dựng, phát triển bảo tàng thành trung tâm thông tin, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử văn hoá.

Ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của bảo tàng trong hệ thống bảo tàng quốc gia, góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước của các thế hệ. Vì vậy, việc chỉnh trang lại một số hạng mục ngoại cảnh, ứng dụng các công nghệ mới cho hệ thống trưng bày là rất cần thiết.

Phó Thủ tướng cho rằng Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong Cụm Di tích lịch sử, văn hoá Ba Đình, vì vậy, việc chỉnh trang cần có sự kết nối, đồng bộ về không gian, kiến trúc, ngoại cảnh với các di tích khác, bảo đảm an toàn tuyện đối mọi mặt.

Đặc biệt, bảo tàng phải luôn trật tự, trang trọng, sạch sẽ từ những việc nhỏ nhất để xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm là nơi lưu giữ các kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, Nhà văn hoá lớn, Danh nhân văn hoá thế giới, “giản dị nhưng vô cùng sâu sắc”.


Phó Thủ tướng đồng tình với việc nên tập trung đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại (âm thanh, ánh sáng, tin học hóa, đa phương tiện) để đổi mới hệ thống trưng bày của bảo tàng; đồng thời lưu ý khi thực hiện chỉnh trang, sửa chữa, đầu tư mới, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh phải rất thận trọng với những hạng mục đã được xây dựng từ đầu. Mỗi căn phòng, mỗi hạng mục của bảo tàng đều mang giá trị, ý nghĩa văn hoá, lịch sử, vì vậy, các đồng chí phải rất cẩn trọng, kỹ càng - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch họp với các bộ, ngành hữu quan về hoạt động của bảo tàng, trong đó cần bảo đảm tính trang nghiêm, văn hoá, tuyệt đối an toàn của bảo tàng trong tổng thể Cụm Di tích lịch sử, văn hoá Ba Đình.

Phúc Hằng (TTXVN)
Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh
Kỷ niệm 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh

Ngày 24/11, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tới dự lễ mít tinh và cắt băng khai mạc triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN