Thiệt hại nặng nề
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ đã làm 189 ngôi nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp; 22.926 ha lúa, 29.192 ha hoa màu, 16.303 ha cây trồng bị ngập; 5.747 con gia súc và 174.793 con gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Tại Thanh Hóa, mưa lũ khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Về giao thông, nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến như: Tại Yên Bái: TL174 Văn Chấn - Trạm Tấu, TL164 An Bình – Lâm Giang. Tại Hòa Bình, tuyến đường 229 và 10 tuyến đường tỉnh (432, 432B, 433, 435B, 4, 4B, 450, 440, 448, 449). Tại Sơn La, đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè, huyện Vân Hồ hiện vẫn cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 2 mố); QL37, QL43 bị cuốn trôi 24 cầu, cống, sụt taluy dương 34.310 m3.
Tại Thanh Hóa: các tuyến QL (217B, 15, 15C, 16, 217, 47) bị sạt lở 45 điểm, hư hỏng mặt đường 4 điểm, ngập gây tắc cục bộ 31 điểm; các tuyến TL (521C, 521E, 519B, 516B, 530, 522, 523C, 523B, 518B, 519, 527B, 527C, 514, 520B, 523) bị sạt lở 55 điểm, ngập 29 điểm; tuyến đường tuần tra biên giới sạt taluy dương tại nhiều điểm gây ách tắc giao thông.
Các tỉnh chống chọi với mưa lũ
Tại Nghệ An, đoạn đê sông Vinh từ cầu Tân Phượng đến Cầu Đen thuộc phường Vinh Tân (TP Vinh) đã xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, dài khoảng hơn 60 m, nguy cơ vỡ đê đang hiện hữu, đe dọa cuộc sống của hơn 1.000 hộ dân. Ngày 13/10, TP Vinh (Nghệ An) đã huy động nhiều lực lượng gia cố thân đê, sẵn sàng phương án sơ tán người dân khi tình huống xấu xảy ra.
Các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ tham gia gia cố đê tại Vinh, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Trực tiếp chỉ huy công tác hộ đê, ông Nguyễn Hoài An, Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: Có hơn 1.000 hộ dân, 4.000 nhân khẩu của 6 khối thuộc phường Vinh Tân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu đê vỡ, ngoài ra còn có người dân của các xã lân cận thuộc huyện Hưng Nguyên. Bên cạnh huy động lực lượng gia cố, cứu đê, thành phố đã lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân ở phía Tây đê sông Vinh để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Ngay từ 10 giờ hôm nay, trước tình huống nguy cấp, UBND TP Vinh huy động hơn 1.000 người thuộc các lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ và lực lượng tại chỗ cứu đê. Do nền đê yếu, phương tiện cơ giới không thể vào được đến đoạn bị sạt lở xung yếu, các lực lượng hộ đê phải cõng bao cát, thân cây tre, tấm phên vượt gần 1km để mang vật liệu đến điểm cần gia cố. Mưa lớn khiến công tác hộ đê gặp khó khăn.
Đến đầu giờ chiều 13/10, đoạn đê xung yếu thuộc đê sông Vinh đã được đóng cọc tre, chèn các bao cát để gia cố. Theo kế hoạch, trong chiều 13/10, chính quyền TP Vinh sử dụng thuyền chở rọ đá để gia cố phần thân đê ở mặt ngoài sông.
Còn tại Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn đã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp cùng các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung khắc phục sự cố sạt lở bể chứa trạm bơm Gia Viễn (xã Gia Thịnh) do ảnh hưởng của mưa lũ, sớm đưa trạm bơm vào hoạt động tiêu úng cho các xã trên địa bàn.
Khắc phục sự cố sạt lở trạm bơm Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN |
Đến thời điểm 15 giờ ngày 13/10, sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục, lực lượng chức năng cơ bản đã hàn khẩu được vết sạt lở của bể chứa trạm bơm. Dự kiến khoảng 22 giờ ngày 13/10, sẽ hoàn thành việc xử lý sự cố, đưa trạm bơm vào hoạt động để tiêu úng cho vùng đang bị ngập thuộc các xã Gia Vượng, Gia Trung, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Hòa, Liên Sơn và thị trấn Me.
Tại Thanh Hóa, đến sáng 13/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người chết, 5 người bị thương và 5 người mất tích do mưa lũ. Nhiều xã thuộc các huyện như Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa... vẫn bị ngập sâu, đời sống người dân rất khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có 140 nhà bị thiệt hại hoàn toàn hoặc bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 17.604 nhà bị ngập sâu trong nước lũ.
Trên tuyến đê sông Chu (đê cấp I) bị sạt lở 4 điểm với tổng chiều dài 107 m. Các tuyến đê từ cấp VI trở xuống bị sạt lở, nứt vỡ với tổng chiều dài 298 m, nghiêm trọng nhất là sạt mái đê hữu sông Cầu Chày trên địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, với chiều dài cung sạt 6 m, rộng 5 m, sâu 1,2 m.
Trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 vẫn còn nhiều điểm bị ngập sâu 50 - 70 m khiến giao thông bị ách tắc cục bộ…
Để đảm bảo an toàn cho những hộ dân sống ven sông, suối, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, bãi ven sông, các địa phương đã chủ động sơ tán trên 17.600 hộ dân đến nơi an toàn; trong đó các huyện Thạch Thành di dời 3.9 hộ, Thọ Xuân di dời 3.415 hộ, Thường Xuân 1.727 hộ…
Lực lượng Quân đội cũng đã điều động trên 1.500 cán bộ, chiến sỹ, trên 8.500 dân quân tự vệ cùng các phương tiện xuống những địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, giúp dân sơ tán, xử lý sự cố đê và tìm kiếm cứu nạn.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hòa Bình bị đất đá sạt lở gây chia cắt. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN |
Tại Hòa Bình, các lực lượng chức năng tỉnh đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất. Riêng điểm sạt lở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, lực lượng chức năng huy động khoảng 300 người và máy móc khẩn cấp tham gia cứu hộ, tìm người mất tích.
Bão số 11 có thể giật đến cấp 16, ảnh hưởng trực tiếp miền Bắc, miền Trung
Hồi 16 giờ hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam sau có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km mạnh lên. Đến 16 giờ ngày mai 14/10, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày kia 15/10, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (115 - 150 km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được 15 - 20 km.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 11 (bão Khanun), để chủ động ứng phó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã ban hành Công điện số 82 gửi Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, khu vực Bắc Bộ; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị triển khai thực hiện cụ thể:
Đối với khu vực trên biển, ven bờ, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113 độ Kinh Đông và sẽ được điều chỉnh tại các bản tin tiếp theo của cơ quan dự báo; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Đối với khu vực đất liền, kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ đầy nước, đặc biệt là ở những địa phương đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới vừa qua.