Theo tác giả Mahbubani - nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa các quốc gia Đông Á và đa số các nước phương Tây là số lượng người tử vong vì dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, tỷ lệ tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản chỉ là 7,8 người trên 1 triệu dân, Hàn Quốc (5,8), Singapore (4,6) và Trung Quốc (3,2). Đáng chú ý nhất trong số các quốc gia Đông Á là Việt Nam - nước không có bất cứ trường hợp nào tử vong vì dịch COVID-19. Ngược lại, con số này ở Bỉ là 846, Vương quốc Anh (669), Tây Ban Nha (608), Italy (580) và Mỹ (429).
Lý giải về thành công đó của Việt Nam, tác giả Mahbubani chỉ ra rằng sự ứng phó hiệu quả của Việt Nam không chỉ do nước này có “một trong những chính phủ có kỷ luật nhất trên thế giới”, mà còn “do các khoản đầu tư sáng suốt cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”.
Tác giả viết: “Trong giai đoạn 2000-2016, chi tiêu cho y tế bình quân đầu người của Nhà nước tăng bình quân 9%/năm. Điều này cho phép Việt Nam thiết lập một trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng quốc gia và một hệ thống giám sát dịch bệnh sau khi đại dịch SARS bùng phát trong giai đoạn 2002-2003”.
“Thành tích của Việt Nam trở nên đáng ngạc nhiên hơn khi mà nước này có xuất phát điểm thấp. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc ba thập kỷ trước, và Việt Nam cũng kết thúc các cuộc chiến tranh kéo dài gần như liên tục trong khoảng 45 năm, nước này là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bằng việc mở cửa cho hoạt động ngoại thương và đầu tư, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) lúc đó là ông Jim Yong Kim đã chỉ ra vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm gần 7% trong vòng 25 năm trước đó đã cho phép Việt Nam “lọt vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ”. Ông Kim nhấn mạnh trong giai đoạn đó, Việt Nam đã đạt được “thành tựu đặc biệt nổi bật” là giảm tỷ lệ người cực nghèo từ 50% dân số xuống chỉ còn 3%”.
Trong bài viết này, tác giả Mahbubani cũng đánh giá cao chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bài viết có đoạn: “Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức khu vực ở Đông Á, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tại đó, nước này đã nhanh chóng học hỏi các nước láng giềng. Gần đây nhất, Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.