Bão số 5 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh vào lúc 9 giờ ngày 3/8 ở một số địa phương như TP. Móng Cái, huyện Đầm Hà, Hải Hà với sức gió mạnh từ cấp 6, 7 và 8 kèm theo mưa lớn. Bão đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cho nhân dân, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin về thiệt hại về người.
TP. Móng Cái đã huy động nhân dân cùng lực lượng vũ trang gia cố tuyến đê xung yếu Lò Mắm thuộc xã Hải Xuân. |
Bão lớn khiến khu vực tuyến đê xung yếu Lò Mắm, thuộc xã Hải Xuân, TP. Móng Cái có nguy cơ bị cơ sạt lở khoảng 100 mét do sóng to. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Móng Cái đã huy động lực lượng cùng vật tư tại chỗ gia cố đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
Tại các huyện miền đông của Quảng Ninh (Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên), bão làm 2 cột viễn thông cao 42 mét, 10 cột điện hạ thế và nhiều cây cối bị đổ gãy; vỡ một bè có 5 ô lồng cá song giống. Bão cũng khiến một trường tiểu học, 212 nhà dân và trên 4 40 công trình phụ bị tốc mái, 4 nhà bị sập và làm một người bị thương. Huyện Hải Hà là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại TP. Cẩm Phả đã chỉ đạo di dời khẩn cấp ba hộ dân tại khu vực tổ 12, khu Ngô Quyền, phường Cẩm Đông do kè bãi thải sau của mỏ than Thống Nhất bị sạt lở, có nguy cơ gây mất an toàn đến các hộ dân phía dưới.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, bão số 5 cơ bản đã đi qua tỉnh Quảng Ninh tiến sâu vào đất liền. Hiện, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bình thường trở lại, chỉ một số ít địa phương có gió và mưa nhẹ. Ngay sau khi bão ngớt, các địa phương đã khẩn trương tiến hành kiểm tra hậu quả của bão, chủ động dọn dẹp các cây xanh ven đường bị đổ để đảm bảo giao thông thông suốt, hỗ trợ dân khắc phục nhà bị tốc mái.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra xác định thiệt hại do bão gây ra ; giúp các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định đời sống ; chủ động đối phó đề phòng mưa lớn do hoàn lưu sau bão gây ra.
Tại tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của bão số 5, từ 5 giờ ngày 3/8 đã có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh cấp 8 tại các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lượng mưa trung bình hơn 100 mm.
Toàn bộ trên 1.100 phương tiện tàu thuyền của tỉnh Thái Bình với hơn 3.000 lao động đến 19 giờ ngày 2/8 đã vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn. Tỉnh cũng đã di dời gần 1.700 lao động nuôi trồng thủy hải sản trên các chòi ngao vào bờ an toàn và sơ tán hơn 2.000 nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê và các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn tránh bão.
Sáng 3/8, sau khi đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 5 tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lãnh đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường công tác kiểm soát không cho ngư dân ra biển trước và trong bão; đồng thời bố trí lực lượng, vật tư và phương tiện tại những vị trí đê, kè, cống xung yếu đặc biệt là những đoạn đê, kè biển đang thi công, ngay sau khi bão tan phải tăng cường lực lượng xuống các địa phương cùng khắc phục hậu quả của bão số 5.
Tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo ngành nông nghiệp bố trí lực lượng vận hành các trạm bơm tiêu úng liên tục 24/24 giờ và tranh thủ mở các cống tiêu nước triệt để. Ngành chủ động kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu trên toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển, nhất là các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, trên địa bàn thủ đô Hà Nội, ngày 3/8 do ảnh hưởng của bão số 5, một số tuyến đường đã ngập úng do mưa với lượng mưa đo được từ 29 - 54 mm. Đến 10 giờ 45 phút, nước đã cơ bản rút hết khỏi các khu vực bị ngập úng, giao thông đi lại bình thường.
Trước đó từ 5 giờ cùng ngày, công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động nhân công và máy móc, phương tiện để khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường, mở các cửa phai hồ Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Thành Công... để điều hòa nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ, bão vẫn tiếp tục gây mưa to cho khu vực Hà Nội. Công ty Thoát nước tiếp tục ứng trực tại hiện trường, bố trí công nhân thực hiện theo phương án thoát nước mùa mưa; đồng thời, vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước đệm trên hệ thống, sẵn sàng đối phó với trận mưa tiếp theo.
Văn Đức, Thanh Phú, Tuyết Mai