Trong bài trả lời phỏng vấn mang tựa đề “Việt Nam trong 76 năm độc lập”, Đại sứ Phan Chí Thành đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam kể từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Trong 76 năm qua, câu chuyện về Việt Nam đã gây ấn tượng với thế giới từ những chiến thắng trong các cuộc kháng chiến, đến thành công của công cuộc Đổi mới, đưa Việt Nam ngày nay trở thành một quốc gia vững mạnh, dân chủ, cởi mở và một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh việc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tập trung, thiếu lương thực triền miên để trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 97 triệu dân là một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện là một trong số 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần kể từ năm 2008, lên hơn 3.500 USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. Việt Nam nằm trong số các quốc gia phát triển công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, với 70% dân số tiếp cận Internet. Liên hợp quốc đã xếp Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2019, Chỉ số Phát triển Con người của Việt Nam (HDI) đạt 0,704. Đây là một thành tích đáng khen ngợi so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Theo Đại sứ Phan Chí Thành, Việt Nam đã thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới năm 1986, kết hợp đồng đều các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế và xã hội. Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu then chốt của nước Việt Nam độc lập. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 1,5%, từ 58% năm 1993 xuống 5,8% năm 2016 và xuống dưới 3% vào năm 2020 theo chỉ số nghèo đa chiều. Tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi vào năm 1990 lên 73,7 tuổi vào năm 2020. Trong đại dịch COVID-19, chính phủ đã cung cấp các chương trình hỗ trợ xã hội lớn cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm tiêm chủng miễn phí cho tất cả người dân và người nước ngoài không phân biệt quốc tịch và nghề nghiệp.
Về đối ngoại, chính sách đối ngoại của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và chủ động hội nhập đã phát huy hiệu quả. Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 và duy trì quan hệ bền chặt với hầu hết các nước trên thế giới, cùng với 30 quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện đang giữ cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) và đã tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi.
Năm nay cũng là năm Việt Nam và Thái Lan kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (6/8/1976 - 6/8/2021). Sau khi điểm lại những mốc chính trong quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh Việt Nam và Thái Lan là các đối tác chặt chẽ ASEAN, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS), cũng như các cơ chế xuyên khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). Với nền tảng vững chắc được xây dựng trong 45 năm qua, cùng với tiềm năng, thế mạnh của hai nước, Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ ngày càng phát triển để hai nước cùng nhau trở nên vững mạnh hơn.