Bế mạc Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Sáng 27/9, Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023 được tổ chức trực tiếp tại Nhà Quốc hội và kết nối tới 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng chủ trì hội nghị.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội nghị đã nghe 9 tham luận của đại diện cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố, đại diện cơ quan phối hợp; còn 8 tham luận đăng ký, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi nội dung cho Ban Tổ chức để tổng hợp.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; là năm tập trung cho triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 47 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23 về Chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Kế hoạch số 248 ngày 04/8/2022 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, năm 2023, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” (tại Kỳ họp thứ 5) và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” (tại Kỳ họp thứ 6).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (tại phiên họp tháng 8/2023) và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” (tại phiên họp tháng 9/2023).

* Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; chắt lọc những kiến nghị hợp lý, xác đáng của các ý kiến tham luận tại hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc và điều hành hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh về một số vấn đề chủ yếu, trong đó yêu cầu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát, tập trung ở một số nội dung cụ thể.

Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp và phù hợp với từng chuyên đề giám sát, từng hoàn cảnh cụ thể; tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo; tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề; tăng cường sử dụng thông tin từ các kết quả của các cuộc giám sát có liên quan, các thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, các chuyên gia, nhà nghiên cứu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát chuyên đề; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn và ban hành nghị quyết về chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thường xuyên xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện; bố trí nguồn lực để tiến hành thường xuyên hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau Hội nghị này, các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu dự hội nghị để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2022.

* Tăng cường giám sát trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Chủ tịch Quốc hội nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: Triển khai các hoạt động giám sát (chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri...), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, hằng năm, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về nội dung này. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Tại các kỳ họp cuối năm, trường hợp cần thiết, có thể bố trí để Quốc hội xem xét báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với xem xét báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

* Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức, cơ quan hữu quan, các Ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với giám sát của HĐND, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát trực tiếp của nhân dân.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề cập đến việc triển khai Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để phù hợp với yêu cầu kiểm soát, nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước và kiểm soát quyền lực trong tình hình mới; bảo đảm tính tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy cho được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển, công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhấn mạnh Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như chỉ đạo và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Quốc hội sẽ giám sát nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng
Quốc hội sẽ giám sát nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng

Sáng 27/9, tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN