Bệ phóng từ 'đột phá' trong cải cách hành chính ở Phú Thọ

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong cải cách hành chính đã giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Phú Thọ cải thiện rõ rệt.

Chú thích ảnh
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn

Cải cách hành chính là một trong bốn khâu đột phá được tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2016-2020. Đây được xem như là một chiến lược, trọng tâm, thường xuyên và có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cải thiện rõ rệt, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ thực hiện giải quyết 1.4/1484 thủ tục hành chính với gần 80 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ban, ngành; đã tiếp nhận, giải quyết hơn 174.000 hồ sơ. Số hồ sơ được giải quyết trước và đúng thời hạn đạt trên 99%. Trung tâm cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính công mức độ 2; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt 100%; dịch vụ công mức độ 4 đạt 20%, đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch, giúp người dân thuận tiện trong việc tìm hiểu, tra cứu.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ, chị Tô Thị Liên Sinh ở Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ: “Do nguyên quán cũ ở huyện Tam Nông, tôi phải đến đây để làm lại lý lịch tư pháp. Tại đây, tôi không chỉ được giải quyết thủ tục nhanh chóng mà còn được cán bộ hướng dẫn cách nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến và đăng ký nhận kết quả tại nhà. Từ sau, tôi không cần đến tận nơi để làm thủ tục hành chính…”.

Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, Phú Thọ đã chỉ đạo thực hiện việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Xuân Long, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ khẳng định, Trung tâm đã đạt được mục tiêu đề ra là giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng đối với nhân dân về nền hành chính phục vụ văn minh, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công việc.

Cùng với việc xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, đến nay, 9 huyện, thị của tỉnh đã triển khai, xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả  hiện đại. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần đổi mới mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với người dân theo hướng phục vụ.

Là huyện còn nhiều khó khăn của Phú Thọ nhưng thời gian qua, huyện Phù Ninh đã lội ngược dòng, tạo điểm nhấn về thu hút đầu tư và trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh. Thành công đó được tạo nên bởi những trăn trở và quyết sách đúng, trong đó có việc lấy cải cách hành chính để tạo sự đột phá.

Ông Lưu Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh cho hay, nhờ có sự đầu tư đúng mức, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 5 năm, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã tiếp nhận 23.4 thủ tục hành chính, giải quyết 22.285 thủ tục hành chính, trong đó hồ sơ trả đúng hạn đạt trên 96%. Huyện đã thu hút 37 dự án mới có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào địa bàn với tổng mức đầu tư 2.860 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 331 doanh nghiệp. 9 tháng năm 2020, huyện thu hút thêm 6 dự án với tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng… tạo việc làm cho trên 8.500 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt vào đầu tháng 7, UBND huyện Phù Ninh đã tổ chức khai trương Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại. Việc triển khai thành lập, đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Tiếp tục thực hiện khâu “đột phá”

Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, công tác lãnh đạo quản lý điều hành ở cả 3 cấp hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; triển khai kế hoạch chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước; phấn đấu 100% dịch vụ hành chính công được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, 4. Số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 đạt từ 70% trở lên…

Trên thực tế, lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được khẳng định, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ cần truy cập vào hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Thọ tại địa chỉ dichvucong.phutho.gov.vn, người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện thủ tục hành chính và nhận kết quả tại nhà một cách nhanh chóng. Không chỉ giảm thời gian đi lại, chi phí phát sinh mà còn tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất lúc này chính là bộ máy hành chính các cấp còn cồng kềnh, chưa tinh gọn; hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức; trang thiết bị làm việc cho cán bộ, công chức cũng như các trang bị phục vụ người dân đến làm việc còn hạn chế. Năm 2016, Phú Thọ mới chỉ có 1/13 UBND huyện, thành, thị và 2/277 UBND xã, phường, thị trấn (chưa sáp nhập) xây dựng được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cũng chưa đầy đủ theo quy định...

Để gỡ “nút thắt” trên, ông Trần Văn Khai, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đúng theo tinh thần Đề án và kế hoạch về cải cách hành chính đã được phê duyệt ở giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, từ tỉnh đến xã đều xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ, 10 mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, đã từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế về cơ chế, chính sách; chủ yếu tập trung vào hoàn thiện các thể chế về quản lý tổ chức, bộ máy từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng; thu hút đầu tư; đất đai, tài nguyên và môi trường; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công…

Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập quầy hướng dẫn và bố trí cán bộ trực các ngày trong tuần để hướng dẫn tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời, Sở đề nghị Bưu điện tỉnh thực hiện giảm 30% cước dịch vụ bưu chính công ích từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020, để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ chuyển nhận thủ tục hành chính qua đường bưu điện.

Ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục đưa nội dung cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch thủ tục hành chính và quá trình giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích, tạo điều kiện, thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Phú Thọ: Vinh danh các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2015 – 2020 ​
Phú Thọ: Vinh danh các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2015 – 2020 ​

Ngày 3/10, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức chương trình Chắp cánh ước mơ, khuyến học, khuyến tài Đất Tổ năm 2020 - Vinh danh các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN