Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quan tâm sâu sát, chủ động không ngừng đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, kịp thời điều phối hoạt động của các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ “không dừng”, “không nghỉ”; “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả. Qua đó, cho thấy, công tác xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực cơ bản kịp thời, việc xử lý bảo đảm nghiêm minh.
Những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cũng đã góp phần tăng cường phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang bị tha hóa, biến chất do ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của sự phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.
Về tội phạm công nghệ cao, một số phần tử xấu đã lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ (như mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội,...) để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đăng bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, trong năm 2021 cơ quan chức năng đã phát hiện 479 vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng tăng 36,4% so với năm 2020; cơ quan chức năng cũng đã gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật; ngăn chặn truy cập 4.214 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong thời gian qua.
"Tôi tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm cao, không chịu lùi bước trước hiểm nguy, thách thức công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao do các ngành chức năng thuộc lĩnh vực tư pháp đã và đang phối hợp tổ chức thực hiện, góp phần đảm bảo ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phục vụ đắc lực yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta", ông Đào Chí Nghĩa nói.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, để công tác phòng, chống các loại tội phạm hiệu quả, lãnh đạo Công an các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp làm giảm tội phạm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương trong công tác này.
Mặt khác, lãnh đạo Công an các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đặc biệt coi trọng và làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; tập trung giải quyết tốt những vấn đề phức tạp, bức xúc nổi lên về tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an các địa phương cần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.
Đồng thời, lãnh đạo Công an các địa phương chú trọng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội; coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong gia đình và ở cơ sở; rà soát, đánh giá ảnh hưởng của các chính sách phát triển và quá trình thực hiện các chính sách phát triển đến tình hình tội phạm và hoạt động phòng, chống tội phạm, đề xuất khắc phục hạn chế những sơ hở, thiếu sót, bất cập.
Ngoài ra, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần đẩy mạnh kết hợp với các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhất là truyền thông giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân và mỗi gia đình.