Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, tính đến tháng 10/2019 mới đạt 49%, làm cản trở đến sự phát triển của kinh tế xã hội. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu quốc hội liên quan đến vấn đề này.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam): Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm
Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, thực hiện giao vốn ngay từ đầu năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan và các địa phương trong quá trình tiến hành các thủ tục để thực hiện chủ trương đầu tư; rồi các bước tiến hành đầu tư; giải phóng mặt bằng... vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Bên cạnh đó, trách nhiệm tham mưu của cán bộ trong vấn đề này vẫn còn e ngại, không mạnh dạn đề xuất khi phát hiện những khó khăn vướng mắc trong cơ chế... cũng dẫn đến tiến độ của dự án chậm.
Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nếu liên quan đến cơ chế chính sách thì phải sửa; còn liên quan đến các vấn đề khách quan thì phải có giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp tạo hành lang pháp lý để giải quyết ngay những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho quá trình đầu tư công. Một vấn đề quan trọng nữa, khi đã giao vốn rồi thì trong qua trình triển khai thực hiện các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn; đồng thời đối với các dự án mà chủ đầu tư chậm triển khai, không giải ngân được thì phải mạnh dạn cắt nguồn vốn để chuyển cho các dự án đang cần vốn mà triển khai có hiệu quả.
Với các giải pháp đồng bộ, tôi tin rằng sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình): Cắt giảm bớt thủ tục đầu tư công
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải năm 2019 mà rất nhiều năm trước đều chậm. Từ đầu năm đến nay theo đánh giá của Chính phủ mới giải ngân được 49%, thậm chí có một số dự án mới giải ngân được 19% đến 20%. Đây là điều cản trở đến việc phát triển kinh tế - xã hội và nhiều công trình, dự án không thực hiện đúng thời hạn.
Nguyên nhân được Chính phủ đưa ra là do nguồn vốn phân bổ chậm và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Một nguyên nhân nữa hiện nay là nhiều văn bản pháp luật, nhiều nghị định chưa đồng nhất với nhau, chính vì thế các cơ quan chức năng và đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm lại không dám quyết...
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế. Cụ thể sẽ làm cho các công trình, dự án thực hiện chậm dẫn đến nguồn vốn bị ứ đọng, đặc biệt là các doanh nghiệp vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu giải ngân đúng hạn thì công trình dự án được đưa vào sớm và nguồn thu ngân sách nhà nước cũng tăng.
Điển hình là dự án đường sắt cao tốc hiện nay đang rất chậm vừa làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, lợi ích của của doanh nghiệp và đặc biệt ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Chính phủ, với Bộ, ngành. Ngoài các dự án về cơ sở hạ tầng thì một số dự án ở các bệnh viện, trường học cũng đang rất chậm...
Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, phải giảm bớt các thủ tục trong quy trình thực hiện dự án; đồng thời thống nhất điều chỉnh tất cả các luật, các nghị định để có sự điều hành thống nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện yêu cầu các cơ quan chức năng và từng cá nhân từng bộ phận, phải tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp tiến hành dự án.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng): Giải ngân đúng và đảm bảo hiệu quả
Trước hết, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2019 không phải là vấn đề mới, việc này đã diễn ra trong vòng 3 năm nay, khi mà Luật Đầu tư công 2014 được ban hành. Tôi cho rằng, tồn tại lớn nhất trong đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công không phải là ở Luật, mà hiện nay các đơn vị thực hiện vẫn đang làm việc theo nếp cũ. Cho nên, việc chuẩn bị cho một dự án hoàn toàn bị động.
Thực tế, việc chuẩn bị đầu tư là rất kỹ và khi triển khai phải nhanh. Nhưng hiện nay, chúng ta lại làm ngược lại, tức là chuẩn bị đầu tư thì rất nhanh để dành được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, sau đó mới triển khai. Như vậy mới dẫn đến việc chậm tiến độ.
Tôi cho rằng, đến thời điểm này không nên đặt mục tiêu phải giải ngân vốn đầu tư theo đúng kế hoạch khi mà đã biết là không đủ thời gian (chỉ còn 2 tháng). Việc này cứ làm đúng theo Luật, không thể để việc biết sai mà vẫn làm rồi lại sai. Chính phủ cũng không đặt ra yêu cầu là phải giải ngân hết mà phải giải ngân đúng và đảm bảo hiệu quả; đồng thời các đơn vị cấp dưới phải thực hiện theo đúng theo luật và phải dựa trên tổng sơ đồ giải ngân của Chính phủ.
Nghị quyết 94/NQ-CP mới đây của Chính phủ về "Nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019" chính là để thực hiện cho 2 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, cho nên các đơn vị sẽ phải khẩn trương thực hiện, cái gì đáng làm 7 ngày thì làm 7 ngày; cái nào cần 10 ngày mới xong mà có chất lượng thì làm 10 ngày và để các khâu tiếp theo cũng được đảm bảo chất lượng.