Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, về quy mô đầu tư giai đoạn 1 của Dự án, gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành quy mô giai đoạn 1 của Dự án đã được nghiên cứu theo Nghị quyết 94, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả.
Cho ý kiến về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sân bay Long Thành có hình thức đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, sau đó do thu hồi đất nhiều quá nên tách ra đền bù, giải phóng mặt bằng.
“Do đó chúng ta quyết riêng vấn đề giải phóng mặt bằng bởi vì Chính phủ trình ra giai đoạn 1 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là do trong nghị quyết của Quốc hội có ghi câu trước khi Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thì phải báo cáo nghiên cứu khả thi trước Quốc hội. Tuy nhiên, theo Luật đầu tư chúng ta chỉ báo cáo khả thi nhưng dự án này tầm quan trọng quá lớn thì Quốc hội yêu cầu phải báo nghiên cứu tiền khả thi trước”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đó theo kế hoạch đã dành 8.500ha cho đất quốc phòng nhưng hiện do vì tiết kiệm đất thay vì dành cho đường bay dân dụng riêng nhưng nay sẽ dành tiền để làm đường bay sử dụng chung. Theo đó, quân sự cũng có thể sử dụng dùng để huấn luyện bay quân sự, nếu không sẽ sử dụng cho dân sự.
“Việc này cũng tiết kiệm nên thành ra điều chỉnh đất dành cho quốc phòng là đường bay sử dụng chung thì cũng hợp lý. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì mục đích bảo vệ tổ quốc là trên hết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện tôi thấy yên tâm”. Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thấu đến thi công… “Kinh nghiệm và qua thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Vì vậy, ông Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án. “Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Cho ý kiến về dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định: Sân bay Long Thành, Quốc hội đã có chủ trương đàu tư tại Nghị quyết 94. Theo luật đầu tư công, Quốc hội chỉ cho chủ trương đầu tư còn báo cáo khả thi, thực hiện thì do Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong chủ trương đầu tư có 3 giai đoạn, Nghị quyết 94 chưa đưa ra cụ thể thời gian.