Xung quanh nội dung này, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu.
Đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Hoà Bình): Cân đối nguồn lực cho các tỉnh miền núi, khó khăn
Theo Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2026 của Chính phủ, vốn ngân sách Trung ương huy động thực hiện giai đoạn này là 39.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng; ngoài ra là vốn lồng ghép, huy động ngoài ngân sách.
Xét theo dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện này, tỷ lệ vốn ngân sách địa phương sẽ tăng, đồng nghĩa với việc các địa phương sẽ phải cân đối nguồn lực lớn hơn trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi đó, không phải tỉnh nào cũng có tỷ lệ cân đối ngân sách cao.
Đơn cử như Hoà Bình là tỉnh miền núi, là tỉnh có tỷ lệ ngân sách thấp. Giai đoạn trước, kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu do phân bổ ngân sách Trung ương, nguồn cân đối của địa phương chưa nhiều, còn lại một phần do dân góp và huy động nguồn lực khác. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho nguồn lực bị phân tán, nếu phải nâng mức cân đối ngân sách cho chương trình xây dựng nông thôn mới thì địa phương sẽ gặp rất khó khăn.
Chưa tính đến những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn vừa qua là những xã có nhiều thuận lợi điều kiện, những xã còn lại đang phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn này là những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới cần nguồn lực lớn hơn giai đoạn trước rất nhiều.
Tôi đề xuất Quốc hội và Chính phủ nên tăng hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho các tỉnh miền núi để bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình): Bảo vệ kết quả của chương trình giai đoạn trước
Tính đến thời điểm này, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới phần lớn có các xã ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu này, giai đoạn 5 năm 2021-2026, chương trình xây dựng nông thôn mới cần tập trung mọi nguồn lực nâng cao tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các khu vực các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bởi, các xã có lực thì có thể huy động nguồn lực từ người dân, sự đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, còn các xã thuộc vùng “lõi nghèo” thì chỉ có thể trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo đó, nguồn lực cần chú trọng tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm kết nối nông thôn – đô thị và các cùng miền cũng như hỗ trợ các yếu tố bền vững về giảm nghèo và an sinh xã hội như hỗ trợ sinh kế, tạo công ăn việc làm cũng như đầu tư giáo dục nghề nghiệp là rất quan trọng.
Bên cạnh việc tiếp tục đưa các xã về đích nông thôn mới cũng như phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, giai đoạn này, các địa phương cần chú trọng bảo vệ kết quả của chương trình nông thôn mới.
Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, các địa phương cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân để họ yên tâm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, nâng cao đời sống, góp phần duy trì bền vững các chỉ tiêu nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.