Ngày 6/4, bên lề Kỳ họp, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về những kỳ vọng muốn gửi gắm tới các "Tư lệnh" ngành trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đổi mới phương thức quản lý trong tình hình mới
Kỳ họp thứ 11 tập trung nội dung vào công tác nhân sự; trong đó có việc kiện toàn các vị trí chủ chốt của đất nước. Từ Kỳ họp này đến khi diễn ra bầu cử Quốc hội khóa tới là thời điểm cho các vị trí lãnh đạo mới được Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm có thêm thời gian chứng tỏ năng lực và khả năng của mình.
Kỳ họp Quốc hội khóa XV sẽ là "lá phiếu" đánh giá chuẩn nhất, đúng nhất khả năng thích ứng cũng như sự điều hành của các nhân sự.
Ở mỗi vị trí đều có thời gian tập dượt. Việc này càng có ý nghĩa đối với cử tri cả nước nhằm đánh giá khả năng, năng lực và bản lĩnh của các vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
Mỗi ngành đều có nhiệm vụ rất lớn trong nhiệm kỳ tới để thực hiện đổi mới và những bước đột phá. Với Bộ Công Thương, chúng ta thấy rõ vai trò làm thế nào để quản lý thị trường, giúp thị trường minh bạch, nâng cao sức cạnh tranh và chống được tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả. Đây là yếu tố trọng tâm của "Tư lệnh" ngành.
Hiện nay, chúng ta đang dần thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh, thương mại. Nếu như trước đây hàng hóa bán tại cửa hàng thì bây giờ chuyển sang kinh doanh trên mạng, không thông qua hệ thống, cửa hàng tại chỗ. Vấn đề này đặt ra việc phải thay đổi căn bản phương thức quản lý hoạt động thương mại, chống tình trạng trốn thuế, buôn lậu, kinh doanh trái phép.
Ngược lại, các phương thức quản lý truyền thống không còn thì đòi hỏi sự thay đổi tích cực, thích ứng, chứ không phải không quản được thì cấm. Nói cách khác thay đổi phương thức quản lý để thích ứng với phương thức thay đổi kinh doanh.
Đại biểu Y Khút Niê (Đoàn Đắk Lắk): Phối hợp giữa các bộ, ngành trong hoạt động sản xuất - kinh doanh
Tôi kỳ vọng dù ai và ở lĩnh vực nào thì người mới tiếp nhận có sự kế thừa, phát huy các chủ trương, kế hoạch đã triển khai từ trước; đồng thời, sâu sát và có kế hoạch cụ thể để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Luật của Quốc hội.
Với một Chính phủ năng động, đổi mới thì các thành viên Chính phủ phải đồng lực, đồng lòng, đoàn kết thực hiện. Có như vậy các chính sách mới đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong các "Tư lệnh" ngành nhiệm kỳ mới, tôi đặt kỳ vọng đổi mới ở Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Ngành này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực của các bộ, ngành khác. Tôi rất mong muốn "Tư lệnh" ngành này có bước đi phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Hạn chế độ "vênh" giữa các luật
Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt để sớm đi vào vận hành theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho thấy sự quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, điều này được thể hiện ngay trong Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Trước một nhiệm kỳ mới, chúng ta ghi nhận khí thế và khát vọng để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh, sánh vai với các cường quốc.
Về nhân sự, tiếp tục giới thiệu và hoàn thiện các chức danh chủ chốt. Các đại biểu Quốc hội có chung niềm tin là chúng ta đã có một nhiệm kỳ thành công với những thành tựu. Do đó, tôi kỳ vọng bộ máy lãnh đạo Chính phủ, các "Tư lệnh" ngành trong nhiệm kỳ tới sẽ kế thừa và phát huy những thành tích của nhiệm kỳ trước, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.
Tôi cho rằng, một trong những phần việc quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp. Do đó, nhiệm kỳ tới cần sớm đồng bộ hệ thống luật pháp, hạn chế độ "vênh" giữa các luật; trong đó, đặc biệt chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thể chế cho những mô hình mới, sáng tạo để có điều kiện phát huy, phát triển trong thời gian tới.