Về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, cử tri Hoàng Hà Thế, họa sỹ thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên cho rằng, thực tế, ngân sách Nhà nước đã chi quá nhiều kinh phí vào những hoạt động cho các cơ quan hành chính sự nghiệp (từ Trung ương đến địa phương). Do đó, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cần có phương án cắt giảm (điều chỉnh) những khoản chi thường xuyên, cấp bách không đáng có như: tiết kiệm điện, nước sinh hoạt; văn phòng phẩm; thông tin liên lạc, xăng, dầu xe ô tô…
Các địa phương cần giảm tổ chức lễ hội để không tiêu tốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, các địa phương nên cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản (ngoại trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình thực sự có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương); tăng cường hội nghị trực tuyến và sử dụng hệ thống “Chính phủ điện tử” “Chính phủ số”; cắt giảm kinh phí in ấn hoặc phô tô tài liệu bản giấy phục vụ hội nghị.
Để chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thường xuyên, liên tục, đi vào thực chất, cử tri, họa sỹ Hoàng Hà Thế đề xuất, lãnh đạo đơn vị phối hợp với Công đoàn cơ sở, tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, người lao động; hình thành nên thói quen tiết kiệm, để phát huy “tính tiết kiệm” trở thành “văn hóa tiết kiệm” trong sinh hoạt và làm việc của mọi người. Các cấp ủy Đảng cần phải chỉ đạo sát sao, các cấp lãnh đạo cần nêu gương trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cán bộ, công chức, người lao động học tập, noi theo. Bên cạnh đó, các đơn vị cần công khai, minh bạch nguồn ngân sách nhà nước được cấp và quyết toán hàng năm; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có ý thức và đem lại kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phê bình, kiểm điểm, đối với những cá nhân, tập thể vi phạm quy chế sử dụng tài sản công, gây lãng phí.
“Làm tốt những điều này sẽ là động lực lớn nhằm khuyến khích động viên cán bộ, công chức, người lao động ra sức phấn đấu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cũng là thực hiện nghiêm Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV (2021-2026) đề ra”, cử tri, họa sỹ Hoàng Hà Thế nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cử tri Nguyễn Thị Loan, Giảng viên Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội cho rằng, thực tế, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân như: Một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục, theo bà Nguyễn Thị Loan, trong cùng địa bàn một quận, huyện nên ban hành một loại sách giáo khoa theo hình thức đấu thầu, để học sinh, gia đình và nhà trường dễ dàng lựa chọn và định hướng cho con, em học tập. Mỗi trường một loại sách dù trong cùng một quận, huyện sẽ lãng phí vì dẫn đến chỉ dùng một lần.
Để chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thường xuyên, liên tục, đi vào thực tiễn, bà Nguyễn Thị Loan đề xuất, các bộ, ngành cần thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, đồng thời có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân. Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình giảng dạy, cụ thể tùy vào lĩnh vực xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.