Là người trực tiếp tham gia phòng, chống COVID-19 trong những ngày TP Hồ Chí Minh căng mình chống dịch, cử tri Trần Văn Hiển (cựu chiến binh tại Phường 15, quận Gò Vấp) đánh giá cao việc Quốc hội đã tổ chức chương trình giám sát về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19. Hoạt động giám sát này đáp ứng yêu cầu chung của đông đảo cử tri cả nước về một giai đoạn đặc biệt với nhiều hoạt động chưa có tiền lệ của đất nước trong bối cảnh phòng, chống COVID-19. Báo cáo giám sát đã ghi nhận sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống xã hội, người dân trong công tác phòng, chống dịch, tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức do COVID-19 gây ra.
Thống nhất với ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, cử tri Trần Văn Hiển cho rằng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi của người dân. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh trong đợt COVID-19 bùng phát vừa qua cho thấy, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế cơ sở góp phần tích cực trong việc cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, góp phần giúp giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, rất cần quan tâm quan tâm hơn nữa cho hệ thống cơ sở, hệ thống y tế dự phòng, cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và phương thức hoạt động để hệ thống y tế, y tế dự phòng hoàn thành tốt vai trò của mình trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Có chung quan điểm với đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), cử tri Trần Văn Hiển cho rằng, ở TP Hồ Chí Minh, nhiều phường có dân số đông, nhiều hơn cả dân số cấp huyện một số tỉnh khác. Vì thế giao hệ thống y tế cơ sở cho UBND các quận, huyện là phù hợp, để tạo sự chủ động cho địa phương trong xây dựng kế hoạch, triển khai công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, phù hợp với thực tế cuộc sống người dân.
Từ thực tế công tác y tế tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 cho rằng, y tế cơ sở vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức cả về cơ sở hạ tầng lẫn nhân sự. Đơn cử, hiện nay 11/14 trạm y tế phường trên địa bàn Quận 8 đã xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, trong khi dân cư đông đúc nên chưa thể đảm bảo thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, công việc nhiều, thu nhập thấp, không có cơ hội nâng cao chuyên môn, tay nghề… là lý do khiến nhân viên y tế tại các Trung tâm Y tế quận và các trạm y tế thường xuyên xin nghỉ việc.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1 chia sẻ, hiện Quận 1 có 7/10 trạm y tế xuống cấp, chật hẹp cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Ngay cả Trung tâm Y tế Quận 1 cũng phải hoạt động ở 4 cơ sở khác nhau, rất manh mún và bất tiện. Điều kiện làm việc khó khăn cùng với mức thu nhập thấp khiến liên tục có người nộp đơn xin nghỉ việc tại Trung tâm, trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn. Bác sĩ Tân cho rằng, nhân lực không đủ, trụ sở làm việc manh mún, xuống cấp, chật hẹp, y bác sĩ không thể nào làm tốt nhiệm vụ của mình. Do đó, cần có sự đầu tư thích đáng đối với hệ thống y tế cơ sở.
Kiến nghị tới Quốc hội về các giải pháp liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng cần có chính sách đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở. Các cơ sở y tế tuyến phường xã, phòng khám tư được hoạt động theo cơ chế bác sĩ gia đình sẽ là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Đây cũng là nơi để họ có thể tiếp cận dịch vụ y khoa ngay trong khu vực mình sinh sống mà không phải vào bệnh viện. Hệ thống y tế cơ sở vững mạnh cũng có nghĩa là “thành trì” chống lại các dịch bệnh lưu hành và dịch bệnh mới nổi bền vững. “Y tế cơ sở đang có nhiều lỗ hổng, cần phải sớm củng cố để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.