Nhiều nơi quá tải chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo được một thời gian tại một bệnh viện tuyến trên của Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Quyên (58 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) được hướng dẫn chuyển về tuyến dưới vì quá tải, phải ưu tiên cho bệnh nhân chạy thận cấp cứu. Được giới thiệu chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Quận 8 nhưng do không tiện việc đi lại, bà Quyên tìm đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) để xin được chạy thận. “Khi bệnh viện chuyển về tuyến dưới, tôi định xin về tỉnh nhưng ở tỉnh đang quá tải, phải chạy thận tăng ca vào buổi tối, tôi tìm cách xin ở lại. Nghe ngóng mãi, tôi mới biết được Bệnh viện Lê Văn Thịnh vẫn còn suất nên xin vào đây”, bà Quyên kể.
Trường hợp bệnh nhi Lê Phước Vĩnh (ngụ tỉnh Tiền Giang) sắp tới đủ 16 tuổi, không còn được chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Gia đình đã tìm cách xin chạy thận ở các bệnh viện dành cho người lớn nhưng đều được thông báo không thể tiếp nhận thêm. “Tôi không biết tới đây sẽ phải tính chuyện chạy thận cho con như thế nào”, mẹ Lê Phước Vĩnh lo lắng.
Hầu hết đều kín chỗ là tình trạng của các khoa, đơn vị thận nhân tạo tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây. Ghi nhận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) hiện có 31 máy lọc thận, tiếp nhận gần 200 bệnh nhân. Người bệnh được chia làm 3 ca gồm: chạy thận nhân tạo theo chu kỳ, lọc máu liên tục, hồi sức. Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện khác chuyển đến và cả người bệnh ở tỉnh, thành khác đăng ký chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng Khoa Thận nhân tạo dự báo, số bệnh nhân có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. “Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng, chúng tôi buộc phải lọc máu thêm ca 4 nhưng như thế sẽ gây nên tình trạng quá tải cho điều dưỡng, nhân viên y tế”, bác sĩ Kim Thanh trăn trở.
Gần 2 tháng nay, nhân viên y tế của Khoa Nội thận - Thận nhân tạo của Bệnh viện thành phố Thủ Đức phải liên tục tăng ca để kịp thời chạy thận cho người bệnh. Hiện đơn vị có 42 máy lọc thận, tiếp nhận điều trị lọc máu cho 260 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân liên tục “kín lịch”, nhưng do việc cung ứng vật tư y tế phục vụ cho việc chạy thận bị đứt quãng, bệnh viện buộc phải triển khai lọc máu ca 4, ca 5, có khi kéo dài đến 0 giờ ngày hôm sau.
Cũng trong tình trạng quá tải là Khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn vị này hiện có 45 máy lọc phục vụ gần 200 bệnh nhân chạy thận định kỳ mỗi ngày, chưa kể các trường hợp lọc máu cấp cứu. Các y, bác sĩ tại khoa phải làm việc liên tục từ 5 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Theo lãnh đạo Khoa, gần đây, một số đơn vị y tế tuyến dưới liên hệ để nhờ Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ, một số bệnh nhân khác xin được vào chạy thận định kỳ nhưng bệnh viện không thể tiếp nhận thêm.
Là bệnh viện tuyến cuối Khu vực phía Nam, trung bình mỗi năm, Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân lọc máu ở đây đa số ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số đến từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang... Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa, mỗi ngày có khoảng 170 lượt bệnh nhân chạy thận định kỳ và 40 - 80 trường hợp cấp cứu. Đa phần các máy chạy thận của bệnh viện phải hoạt động đến 4 - 5 ca/ngày.
Nhu cầu bức thiết
Lý giải về nguyên nhân nhiều bệnh viện quá tải chạy thận nhân tạo, bác sĩ Từ Kim Thanh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, những năm gần đây, hệ thống tầm soát bệnh ngày càng hiện đại đã giúp phát hiện thêm nhiều người suy thận mạn. Các kỹ thuật điều trị suy thận mạn cũng ngày càng tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước nên bệnh nhân tiếp cận sớm và được điều trị. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc chạy thận lại gặp rất nhiều trở ngại. Do đặc thù chuyên môn, việc xây dựng, mở rộng đối với các đơn vị thận nhân tạo thường phức tạp, kéo dài và tốn kém, khiến nhiều cơ sở y tế dè dặt. Việc mua sắm phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về đấu thầu với kế hoạch lâu dài.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn hiện có 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc Bộ/ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ hiện là 4.254 người, tăng trên 1.200 người so với 5 năm trước; người bệnh có địa chỉ ngoài Thành phố chiếm gần 20%. Sự gia tăng nhanh người bệnh chạy thận nhân tạo khiến các cơ sở y tế không kịp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu. Các chuyên gia dự báo, nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi, nguy cơ quá tải là khó tránh khỏi.
Bác sĩ Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu chạy thận của bệnh nhân ở các khu vực vùng ven, lân cận thành phố là rất lớn. Trong khi đó, hệ thống chạy thận nhân tạo ở tuyến y tế cơ sở chưa phát triển, không thể đáp ứng nhu cầu buộc người dân phải đổ xô lên tuyến trên. Đơn cử như ở huyện Bình Chánh, người bệnh phải di chuyển vào nội thành để lọc máu định kỳ rất vất vả. Vì thế, Bệnh viện đang xin chủ trương, đầu tư cơ sở vật chất để thành lập đơn vị thận nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trước mắt, Sở Y tế đã phê duyệt chủ trương, cho phép Bệnh viện huyện Bình Chánh đầu tư 6 máy lọc thận, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối quý 2/2023. Trong tương lai, Bệnh viện dự kiến sẽ đầu tư khoảng 20 máy chạy thận để phục vụ người bệnh trên địa bàn và mở rộng ra tiếp nhận cả ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận là yêu cầu bức thiết trong thời gian tới. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện tuyến huyện; từng bước đáp ứng nhu cầu, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho các bệnh nhân suy thận mạn đang có chiều hướng gia tăng.