Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội): Cần ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn này
Qua 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn, thay đổi nhận thức của người dân với nhiều mô hình hay đã được nhân rộng… Chương trình này được xác định có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nên cần thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, tổng kết, đánh giá để khắc phục tồn tại, kế thừa và theo kịp thực tiễn, thách thức mới mà bối cảnh mới đặt ra.
Theo đó, cần chú trọng quan tâm tới vấn đề huy động nguồn lực và vốn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ thúc đẩy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực tế, đây là khu vực đông dân cư nhưng lại dễ “tổn thương” nên cần sự quan tâm thích đáng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay. Hơn nữa, khu vực này cũng thường xuyên chịu tổn hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh từ cây trồng, vật nuôi gây ra.
Giai đoạn này, Chính phủ cần ưu tiên bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách trung ương để thực hiện theo kế hoạch. Trước mắt, có thể là 3.900 tỷ đồng nhưng có thể cân đối bổ sung thêm vốn ngân sách thông qua các gói hỗ trợ cho khu vực này để sớm khôi phục sản xuất, giúp người dân vượt qua khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét, đổi mới các cơ chế chính sách về đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học… để cùng địa phương đồng hành xây dựng, phát triển nông thôn mới một cách hiệu quả.
Đặc biệt, cần tăng hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Có như vậy mới có thể tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, để tăng tính hiệu quả của chương trình, giai đoạn tới cần chú trọng việc phân cấp cũng như giám sát và hậu kiểm sát sao hơn nữa trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh các tiêu trí về nông thôn mới cho phù hợp với đặc thù của từng vùng miền, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường và quy hoạch chung.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam): Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Nông nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh nhưng cũng là khu vực dễ chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường. Do đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần quan tâm tăng vốn đầu tư để xây dựng, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống người dân khu vực nông thôn.
Hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài gây nhiều hệ lụy đến các mặt của đời sống xã hội nhất là người dân khu vực nông thôn. Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ đời sống, việc làm để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khu vực nông thôn, góp phần duy trì thành quả đã đạt được hoặc tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới mà giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra.
Một thực tiễn đòi hỏi cấp bách nữa là Chính phủ, Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản liên quan nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố nằm cách Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tầm 50-70km có nhiều lợi thế về liên kết vùng, thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, thương mại, dịch vụ… Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo hiệu quả phát triển kinh tế vùng, hình thành các khu công nghệ cao, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu phát triển nền kinh tế, phát triển các khu đô thị vệ tinh để thực hiện giãn dân ở khu đô thị lõi, chuyển đổi và nâng cao thu nhập cho người dân… Tôi đề nghị Chính phủ ban hành quy định cho phép điều chỉnh giảm diện tích đất đông nghiệp tại các địa phương này.
Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục ban hành Nghị định hỗ trợ nông nghiệp phát triển, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp… thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn sau năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế): Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng một vai trò quan trọng quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tuy nhiên, giai đoạn qua, chúng ta mới đang tập trung đầu tư hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, nếu chỉ đầu tư gián tiếp như vậy mà không chú trọng đầu tư trực tiếp thông qua đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì khó bảo đảm, duy trì các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.
Tôi cho rằng, chúng ta cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, tăng thu nhập cho người dân chứ không chỉ chú trọng tăng quy mô, sản lượng, số lượng như hiện nay.
Theo đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình hỗ trợ cần tính đến nhu cầu của địa phương, không dạy theo chương trình sẵn có sẽ không phù hợp với thực tiễn, khả năng của người lao động khu vực nông thôn. Bởi, sự thích ứng của lao động nông thôn với môi trường đô thị còn hạn chế, chưa bảo đảm chuyển dịch lao động nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ và phục vụ tốt cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
Về phía chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn cần linh hoạt cập nhật sát thực tế; trang bị kiến thức về thị trường, hội nhập quốc tế, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để có nhưng chương trình hiệu quả hơn, thiết thực hơn cho người dân và cán bộ địa phương. Chỉ khi chính quyền, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, định hướng tốt, người lao động mới đáp ứng được nhu cầu thị trường việc làm, từ đó nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho lao động nông thôn.