Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu băn khoăn về vấn đề nới trần nợ công làm sao cho hiệu quả khi việc giải ngân các dự án đầu tư công hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhiều lần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế để tìm ra những giải pháp thiết thực.
Đánh giá về sự thận trọng khi Chính phủ xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi các quốc gia đều đang mở cửa, chúng ta không thể đứng yên, chắc chắn phải có nguồn lực đầu tư vào vấn đề lao động, việc làm. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn nếu Chính phủ tăng nợ công lên thì liệu nguồn tiền này có vào được khu vực sản xuất không hay lại chảy vào các khu vực như đầu tư tài sản, dẫn đến tình trạng lạm phát, khủng hoảng kinh tế đã từng gặp những năm trước đó.
Chính vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhưng phải chú ý hai yếu tố. Thứ nhất, gói tài trợ này phải được đưa vào các doanh nghiệp, nhà sản xuất để hoạt động kinh doanh có thể phục hồi trở lại. Thứ hai, nếu gói tài trợ này được thực hiện thông qua các chương trình đầu tư công mà vẫn sử dụng những phương thức như trước, khó có thể giải ngân. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần phải có đột phá, chẳng hạn thông qua hình thức Chính phủ đặt hàng cho các nhà đầu tư làm công trình đó sẽ hiệu quả hơn.
"Những biện pháp đó không chỉ giúp đưa gói hỗ trợ đúng vào sản xuất, kinh doanh mà còn tạo ra được sức mạnh cho cả nền kinh tế phát triển", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Liên quan đến câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các chính sách hỗ trợ chủ yếu chỉ hướng tới các doanh nghiệp khỏe, đang có doanh thu và lợi nhuận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phải thừa nhận như vậy và cho rằng cần phải có hướng khắc phục hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thời gian qua, những chính sách hỗ trợ như miễn, hoãn, giảm thuế mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có nguồn thu. Khi Chính phủ chủ trương mở cửa hền kinh tế, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội đang rất cần được hỗ trợ để có cơ hội phục hồi.
"Trong gói hỗ trợ phải dành ra một chính sách để hướng vào khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, những hộ kinh doanh có thể tiếp cận được nguồn vốn. Đây sẽ là cơ hội cho những cơ sở kinh doanh nhỏ có thể hoạt động trở lại".
Đại biểu thành phố Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cần phải tính đến phương thức quản lý mới, đó là chính thức hóa hoạt động các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Từ đó đưa ra dữ liệu theo dõi, thống kê, quản lý, giúp các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này rõ ràng và hiệu quả hơn.