Quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, cử tri Đỗ Thị Thu Hương, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang nhận định, trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt, hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng), kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%); lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Các cử tri Lâm Đồng rất quan tâm đến những ý kiến về nhóm vấn đề công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí trong công tác đầu tư công.
Ông Bon Yo Soan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công đã gây lãng phí đối với nền kinh tế, người dân không được hưởng lợi từ các công trình, dự án khi bị chậm tiến độ.
“Tôi rất hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể, thiết thực thông qua những chương trình hành động để cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ việc phục hồi, phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn”, cử tri Bon Yo Soan chia sẻ.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển
Nhiều cử tri tại Tuyên Quang bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Cử tri Nguyễn Văn Ánh, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, nhất là trong các tháng đầu năm 2023, khu vực sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân đang gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của COVID-19, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, giải phóng được hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Quan tâm đến vấn đề điều chỉnh đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021- 2025, cử tri Nguyễn Hoàng Thái Nguyên (Phó Chủ tịch UBND Phường 7, thành phố Đà Lạt) cho rằng, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn tới đây thực sự rất cần thiết để tạo động lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt là đối với các công trình, dự án có quy mô khu vực và quốc gia như các tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực. Qua đó tạo sự đồng bộ về hạ tầng, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, khơi thông du lịch, giúp cho các ngành kinh tế phát triển, lấy lại đà tăng trưởng như trước.