Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe 3 trẻ sinh non được chuyển từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phụ trách khoa Nhi cho biết: Ngày 20/11, 3 bệnh nhi sơ sinh được chuyển đến khoa nhi và được tiếp nhận khẩn trương, điều trị tích cực theo dõi sát sao mỗi giờ/lần để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường.
“Bệnh viện đang tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, máy móc trang thiết bị, tạo điều kiện điều trị cao nhất cho các cháu. Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ miễn phí toàn bộ chi phí điều trị cho các trẻ này bằng quỹ phúc lợi của bệnh viện”, PSG.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Theo TS.Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai: Nguy hiểm nhất với những trẻ sinh non đang nuôi trong lồng ấp là khi các loại vi khuẩn chỉ cư ngụ trên da thì không có vấn đề gì, nhưng hàng ngày những trẻ này còn phải thở máy, đặt ống, cho ăn, tiêm truyền…thì vi khuẩn sẽ từ trên da hoặc không khí đi vào hầu, họng, phổi… nên nguy cơ nhiễm trùng là rất cao. Đặc biệt nguy cơ nhiễm trùng huyết dễ dẫn đến suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh, trẻ thiếu tháng nguy cơ đó càng lớn.
Cũng theo ông Hùng, việc quản lý môi trường buồng bệnh, các động tác tiêm truyền, khử trùng máy móc, quy trình cho ăn, rửa tay… khi chăm sóc trẻ sinh non phải thật chặt chẽ mới có thể chống được tình trạng nhiễm khuẩn. Dù chỉ 1 khâu nào trục trặc là có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trẻ sơ sinh, nhất là sinh non, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống miễn dịch nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cũng nhận định: Các loại vi khuẩn trong môi trường bệnh viện nguy hiểm hơn vi khuẩn ở các môi trường khác vì dễ nhờn với các loại kháng sinh và đặc biệt cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sinh non.
Theo các bác sỹ, những hành động tưởng như đơn giản như: Việc vào thăm, sờ vào trẻ… là những hành vi mang vi khuẩn vào cơ thể trẻ và trong buồng nuôi trẻ, thậm chí chỉ cần không rửa tay khi vào thăm trẻ là giường, lồng ấp đã bị ô nhiễm. Từ đó các vi khuẩn sẽ dễ dàng “định cư” trên da, cơ thể trẻ... gây nhiễm trùng. Vì thế, việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối cho khu vực nuôi trẻ sinh non không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhân viên y tế mà các bà mẹ, người thân cũng phải hết sức chú ý điều này.
Các bác sỹ khuyến cáo, việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện là vấn đề vô cùng quan trọng, nhất các khâu như: Trang bị nước RO, các máy phun khuẩn để khử các loại vi khuẩn trú ngụ trong các khe kẽ, định kỳ tẩy uế toàn bộ các buồng, phòng bệnh… thậm chí phải giám sát sự tuân thủ của nhân viên y tế, đào tạo cho cả người nhà bệnh nhân về giữ vệ sinh, rửa tay khi vào thăm, các công tác thu gom rác thải vệ sinh trong buồng phòng cũng phải tuyệt đối tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn mới đảm bảo.
Dưới đây là hình ảnh các trẻ sinh non bị nhiễm trùng nặng từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh chuyển lên điều trị tại bệnh viện Bạch Mai:
Các bệnh nhi đều trong tình trạng nhiễm trùng nặng, suy hô hấp. |
Sức khỏe các bé đã có chiều hướng tốt lên. |
Mức ăn của các bé đã tăng từ 2ml lên 3ml mỗi lần ăn. |