Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp về những vấn đề dư luận đang quan tâm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng ngập lụt do mưa lớn tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội trong những ngày qua rất đáng quan tâm và cần có các giải pháp bền vững trong thời gian tới.
Chiều tối 1/6, Hà Nội chuyển mưa dông kèm sấm chớp kéo dài nhiều giờ đã gây ngập lụt trên nhiều tuyến phố. Theo số liệu từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thoát nước Hà Nội, từ 17 giờ 50 phút đến 19 giờ 50 phút, lượng mưa ở các quận dao động từ 30 - 70mm. Địa bàn các quận, huyện xuất hiện mưa cục bộ, lượng mưa dao động từ 30 - 40mm, đặc biệt tại khu vực xã Hải Bối, huyện Đông Anh lượng mưa lên tới 193mm. Lượng mưa đo được (từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút) ở một số nơi ở mức cao như: Đông Anh (194mm), Đống Đa (69,5mm), Ba Đình (63,8mm), Thanh Trì (42,2mm), Cầu Giấy (36,2mm).
Trước đó, vào ngày 29/5, với vũ lượng 140 mm trong 2 giờ, điểm quan trắc ở Láng đã ghi nhận trận mưa lớn chưa từng có kể từ năm 1986. Trình trạng mưa lớn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây gây ảnh nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Một số chuyên gia cho biết nguyên nhân gây ngập úng lần này chủ yếu là do mưa lớn xuất hiện trong thời gian ngắn, dòng chảy tràn trên bề mặt các lưu vực không thoát kịp dẫn đến ngập úng. Dư luận lo lắng và cho rằng, chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể nhằm đối phó với tình trạng trên.
Chia sẻ giải pháp cần được nghiên cứu, áp dụng trong thời gian tới, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đánh giá hiện tại, công tác dự báo thời tiết và các hiện tượng cực đoan được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các bản tin đã được cập nhật liên tục với độ chính xác khá tốt. Trong thời gian gần đây, ngoài việc phối hợp với các đơn vị truyền thông, Trung tâm đã chủ động đưa thông tin dự báo, cảnh báo lên các phương tiện như Facebook, Zalo để cung cấp thông tin đến người dân.
Tuy nhiên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo mưa và sét, xây dựng các bản tin dự báo dễ hiểu, cập nhật liên tục qua nhiều phương tiện truyền thông hơn nữa. Hiện tại, mạng lưới radar của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã được đầu tư khá tốt, cần phát huy mạnh năng lực dự báo mưa ngắn hạn. Hệ thống định vị sét cần được đầu tư nghiên cứu và xây dựng các ứng dụng, cung cấp thông tin dự báo phòng, chống các tai nạn do sét gây ra.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cảnh báo online thời gian thực. Ngoài việc nâng cao tăng cường chất lượng và tần suất dự báo, các lưu vực, các đô thị cần xây dựng các mô hình thủy văn đủ chi tiết để ngay sau khi có các thông tin dự báo mưa, có thể mô phỏng tính toán ra các thông tin dự báo ngập lụt, dự báo dòng chảy. Đại biểu cho rằng, đã có nhiều lưu vực lớn được xây dựng các mô hình thủy văn, tuy nhiên trong các đô thị lớn gần như không có. Việc xây dựng được các mô hình này thành công sẽ cung cấp cho người dân chi tiết các dự báo ngập úng tới từng khu phố, từng địa bàn, để người dân có thể quyết định các hoạt động của mình trong thời gian sắp xảy ra mưa.
"Những thông tin này hoàn toàn có thể được đưa lên các trang web, hay các hệ thống cảnh báo ngập lụt thời gian thực. Đây là một ứng dụng không hề mới nhưng chưa được đầu tư đúng mức, hiện tại mới có một vài ứng dụng của tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc phân tích, các công tác nghiên cứu phát triển này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các đơn vị nghiên cứu về Khí tượng Thủy văn như Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên. Vì thế cần có cơ chế để phối hợp giữa các cơ quan dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên sâu, tập trung vào phát triển các mô hình thủy văn cho các lưu vực lớn và các đô thị.
Đối với các đô thị, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp mềm (dự báo mưa, dự báo ngập lụt), việc đầu tư hạ tầng cơ sở vẫn phải tiến hành. Song song với việc quy hoạch chính xác, kiểm soát xây dựng để đảm bảo năng lực hoạt động của hệ thống thoát nước, việc đầu tư xây dựng mới cho hệ thống thoát nước vẫn là việc cần làm mang tính chiến lược lâu dài.
Xu thế hiện tại để giải quyết vấn đề thoát nước không chỉ tập trung vào việc làm sao để vận chuyển nước ra khỏi lưu vực một cách nhanh nhất, mà đã dịch chuyển sang việc làm sao để tránh ngập và tận dụng tối đa lượng nước mưa, hay còn gọi là thoát nước bền vững. Các công trình như hồ điều hòa, thảm bê tông thấm nước, hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa tại nguồn, mái nhà xanh, tăng cường thảm thực vật trong đô thị, không gian chứa nước ngầm cần được nghiên cứu, tính toán và thiết kế để vừa có tác dụng thu gom nước mưa và dòng chảy mặt, vừa trữ lại để sử dụng vào các mục đích khác nhau, đảm bảo tính bền vững cho môi trường.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, thành phố Hà Nội cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu trong lịch sử và hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa lớn. Đồng thời, cần nghiên cứu một cách kỹ càng, khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đại biểu, bài toán ứng phó như khi đã ngập rồi, phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đó gần như là điều mang tính trù bị bắt buộc.
Phân tích về thực trạng hạ tầng tại các đô thị hiện nay, đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng, mỗi nơi mang đặc trưng về địa hình khác nhau, vì vậy khi thiết kế các đô thị, việc quan trọng nhất là phải dự báo được tình cực đoan của khí hậu thời tiết, hệ thống phải dự báo được số lượng dân cư sử dụng. Từ đó, giúp cho khâu thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư có tính toán đến độ cao để làm sao khu vực đó tự thoát được nước.
"Chúng ta phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh, hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững", đại biểu nhấn mạnh.