Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 7 nêu rõ, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương. Phải chăng việc thực hiện chủ trương này một phần cũng để tránh tính trạng cục bộ địa phương, bổ nhiệm người nhà…?
Tôi cho rằng, chủ trương này đã được nghiên cứu ở góc độ xã hội. Thực tế, một số địa phương vừa qua nảy sinh vấn đề có Bí thư, cấp uỷ sử dụng vị trí, quyền lực, ảnh hưởng của mình để vụ lợi, đưa con em, người nhà người thân vào các ê kíp, vị trí.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Vì thế, nên để cho người ở địa phương khác đến, như thế sẽ không liên quan đến người của địa phương hay anh em họ hàng thân thích.
Nhưng thực hiện chủ trương này về mặt nào đó nên tổ chức thí điểm và phải có lộ trình. Đồng thời có chương trình, kế hoạch hết sức căn bản, chi tiết như: đưa ai đi đến đâu, thời gian bao lâu, quy trình, kế hoạch, đưa đi rút về thế nào. Hơn nữa phải có sơ kết, tổng kết để đánh giá lại một cách trung thực việc thực hiện.
Tuy nhiên, đây chỉ chỉ là một trong những giải pháp có tính chất tạm thời để góp phần khắc phục tình trạng trên, chứ không phải là “bảo bối” duy nhất để bảo đảm rằng sẽ có sự vô tư trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở địa phương.
Việc bố trí người đứng đầu cấp uỷ không phải là người địa phương hoàn toàn khác với luân chuyển cán bộ. Nếu đưa cán bộ về đó mà bị “bao vây”, khống chế... để vô hiệu hoá sự lãnh đạo thì lập tức cấp uỷ cấp trên phải rút khỏi vị trí đó và phải kiện toàn lại ngay. Đồng thời phải có chế độ thường xuyên giám sát kiểm tra, vì không có họ hàng tại chỗ nhưng kéo họ hàng nơi khác đến thì sao?
Công tác cán bộ đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân đặc biệt quan tâm. Vậy theo ông, vấn đề mấu chốt trong công tác cán bộ hiện nay là gì?
Vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ chính là sự liêm chính. Nếu không liêm chính thì cho dù là người ở nơi khác đến anh ta vẫn có thể có ê kíp mới, có người nhà ở nơi khác tới. Sự liêm chính của cán bộ, ý thức tuân thủ, tính nêu gương của cán bộ là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật, bất kỳ người nào làm sai phải xử lý ngay. Đảng phải có thái độ bảo vệ người chân chính. Nếu cán bộ về địa phương đó làm việc chân chính mà bị “bao vây” thì Đảng phải bảo vệ, xử lý những người khác.
Có những việc xảy ra ở địa phương thời gian qua, trong đó liên quan đến việc bổ nhiệm “thần tốc” tạo dư luận xấu. Tuy nhiên, nếu như bổ nhiệm “thần tốc” với người thực tài thì sao, thưa ông?
Nếu con người đó xuất chúng thì bổ nhiệm là bình thường, nhưng thời gian qua thì hầu hết lại không phải rơi vào trường hợp này. Đảng không hẹp hòi đối với người tài, không bao giờ chối bỏ nhân tài. Như tôi đã từng phát biểu, từ chối nhân tài tức là ta tự sát.
Nhưng điều quan trọng, đó là nhân tài thật sự hay là đội lốt nhân tài, đội lốt người giỏi, đội lốt kẻ hiền sĩ? Thần tốc không xấu, bổ nhiệm “thần tốc” không phải là một cái xấu nếu bổ nhiệm đúng người hiền tài. Trong lịch sử đã có rất nhiều người tài được bổ nhiệm khi còn rất trẻ.
Hơn thế, khi bổ nhiệm xong không có nghĩa là đã an tâm, mà phải tiếp tục chăm sóc, bồi dưỡng. Từ Đại hội VII, VIII đã quy định rất rõ, một trong những nhiệm vụ của Đảng, của hệ thống giáo dục là phải nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Phát hiện nhân tài để bồi dưỡng, bổ nhiệm họ vào những vị trí cũng là đang bồi dưỡng họ, thử thách họ.
Nhưng nên nhớ là sắp xếp phải vào vị trí xứng đáng, phù hợp; chứ không phải đáng làm trưởng phòng, anh lại bổ nhiệm lên làm Giám đốc, Phó giám đốc sở. Như thế sẽ gây phản cảm, và người ta cũng không đủ sức để cáng đáng nhiệm vụ ấy, đương nhiên sẽ thất bại, những người khác nhìn vào thấy là “thần tốc”.
Hiến pháp đã quy định công dân đúng 18 tuổi được quyền bầu cử, 21 tuổi được quyền ứng cử vào các vị trí ĐBQH, HĐND. Phát hiện đúng người tài, đánh giá đúng, sử dụng đúng, “thần tốc” đúng thì tốt. Như thế gọi là đột phá trong công tác phát hiện, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!