Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, đến hết ngày 1/3, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc COVID -19. Thành phố Hà Nội đã giám sát 96 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều có kết quả âm tính. Đơn vị chức năng đang tổ chức giám sát tại cộng đồng 4.725 người, hiện 2.610 người đã hết thời gian giám sát, còn phải giám sát 2.115 người.
Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức 4 điểm cách ly tập trung người nhập cảnh đến từ các vùng có dịch, đang cách ly tập trung 2.240 người. Tại Bệnh viện Công an thành phố, 73 người cũng đang được cách ly tập trung.
Hiện tại, các đơn vị y tế trên địa bàn Thủ đô có khả năng triển khai được 5.000 giường bệnh cách ly để điều trị cho người nhiễm bệnh COVID - 19. Theo kế hoạch, nếu có dịch bệnh xảy ra và lan rộng trên địa bàn, thành phố sẽ thành lập hai bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính với quy mô mỗi bệnh viện là 600 giường bệnh.
Bộ Tư lệnh Thủ đô đang tổ chức cách ly cho 2.240 người tại 4 điểm cách ly tập trung. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động 628 lượt cán bộ, chiến sĩ để phục vụ giám sát, theo dõi sức khoẻ, nhu cầu ăn, ở… cho những người đang phải cách ly. Ngoài 18 bác sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô, thành phố bố trí 5 đội cơ động phòng chống dịch cho các khu vực cách ly. Từ tối 1/3, ngành chức năng đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm COVID - 19 và dự kiến 10 ngày nữa sẽ có kết quả xét nghiệm của 2240 người đang phải cách ly này.
Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, mặc dù thực hiện cách ly tập trung số lượng lớn nhưng các điều kiện ăn, ở cho người phải cách ly đều đang được bảo đảm.
Là nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện tốt công tác giám sát, cách ly, vệ sinh khử khuẩn và chuẩn vị vật tư, phương tiện phòng dịch, nhất là trong các trường học; tạm dừng hoạt động các quán karaoke; không kinh doanh buôn bán động vật hoang dã; tổ chức diễn tập hoạt động phòng chống dịch…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID -19, đại diện Công an thành phố và quận Bắc Từ Liêm đề nghị người vào cách ly phải lấy mẫu xét nghiệm COVID -19 ngay để tránh lây chéo trong khu vực cách ly. Đại diện quận Hoàn Kiếm đề nghị đối với việc sàng lọc chuyển người vùng dịch về địa phương để cách ly cần hạn chế đưa về cách ly tại nội đô nguy cơ lây nhiễm chéo cao, mà nên đưa về các khu cách ly tập trung.
Đối với việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng khẳng định, đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện khử khuẩn cơ sở vật chất lần thứ 5. Sở đã chỉ đạo kiểm tra các trang thiết bị phòng, chống dịch như nhiệt kế điện tử, nước rửa tay..., sẵn sàng phục vụ học sinh đi học trở lại.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cách ly theo các cấp độ vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, cần rà soát tất cả những người đi từ vùng dịch chưa qua 14 ngày; thực hiện nghiêm việc khai báo và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Thành phố tiếp tục bố trí điểm cách ly, đảm bảo điều kiện ăn ở tốt nhất cho bà con trong khả năng của thành phố.
Bí thư Thành ủy yêu cầu nên có kết quả xét nghiệm sớm đối với các trường hợp cách ly tại các khu tập trung, bởi nếu chỉ cần có một trường hợp dương tính tại khu cách ly sẽ rất nguy hiểm.
“Quan trọng nhất vẫn là minh bạch các thông tin trong công tác phòng chống dịch. Bởi nếu chúng ta không chủ động, mạng xã hội cũng sẽ thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Đồng thời, có ứng xử phù hợp để tránh tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài”, Bí thư Thành ủy lưu ý.
Ngoài ra, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Phải đảm bảo môi trường an toàn tuyệt đối khi học sinh quay trở lại trường. Từ nay đến ngày 8/3, căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, thành phố cần đưa ra những quyết sách phù hợp. Phòng trường hợp xấu nhất, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải có kịch bản sẵn sàng giảng dạy trên truyền hình.
Bên cạnh đó, ngành Y tế rà soát các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo cung cấp kịp thời các vật tư, từng cơ sở y tế chủ động xây dựng các biện pháp. Trong đó, đảm bảo máy đo thân nhiệt, máy thở, thuốc chữa trị, xà phòng, thuốc sát khuẩn, hỗ trợ tiền ăn cho những người cách ly. Thành phố chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án lập bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính, tính toán giới hạn đỏ có thể đảm bảo được các điều kiện điều trị được bao nhiêu ca một cách cụ thể nhất; tính toán các trường hợp cách ly nếu có ổ dịch phát sinh tại cộng đồng, nhất là tại đô thị; tổ chức diễn tập công tác phòng dịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá Ban Chỉ đạo chống dịch của thành phố đã nắm chắc vấn đề, đề xuất bổ sung các giải pháp phù hợp với tình hình mới. Diễn biến dịch bệnh đã chuyển sang một giai đoạn khác khi lây lan ra rất nhiều các quốc gia trên thế giới; tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống của người dân. Dự báo sắp tới, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và khó lường, Vì thế, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức, tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của thành phố cũng như của Việt Nam.
Xác định phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của thành phố trong giai đoạn hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục quán triệt tinh thần nhiệm vụ phòng chống dịch là của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Các địa phương chủ động công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ (cách ly, chữa trị, vật tư, nhân lực); quan tâm ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho người già và trẻ em, người nghèo; có giải pháp bảo vệ tuyệt đối sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.
Xác định “nhiệm vụ kép” trong giai đoạn hiện nay là vừa phòng chống dịch đồng thời cũng thực hiện các giải pháp duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tinh thần quyết tâm không để bệnh dịch xâm nhập trên địa bàn Thủ đô đồng thời phải chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống xấu nhất.