Bí thư Thành ủy Hà Nội: Doanh nghiệp cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động

Ngày 24/3, tại buổi làm việc với việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội và một số Tổng Công ty trên địa bàn thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trực thuộc.

Cho rằng Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội là một đảng bộ lớn của thành phố và có vai trò rất quan trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý, về công tác chuẩn bị Đại hội, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội. 

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

"Đặc biệt, văn kiện phải đảm bảo được chất lượng, cập nhật tình hình mới có phát sinh. Bên cạnh đó, cần có thay đổi về tư duy, tầm nhìn trong phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội và được thể hiện rõ trong báo cáo chính trị; tập trung chuẩn bị nhân sự gắn với vấn đề an ninh chính trị nội bộ, đi đôi với rà soát giải quyết những vấn đề phức tạp còn tồn đọng. Ngoài ra, Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố cần đảm bảo tiến độ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ rõ. 

Nhấn mạnh về nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là cấp bách, quan trọng nhất, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và khách hàng; tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan tâm công tác công đoàn, giải quyết hai hòa mối quan hệ với người lao động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp nên triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời có kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa, trong đó dự trù kịch bản ứng phó trong tình huống xấu nhất. 
 
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khối vẫn còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ước đạt trên 200.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách ước đạt trên 17.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,2 triệu đồng. 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về phòng chống dịch bệnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, xây dựng và ban hành hướng dẫn tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị trong khối phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đảng bộ Khối triển khai đồng bộ các giải pháp quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan và bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, ổn định đời sống người lao động; kịp thời cập nhật thông tin số liệu, diễn biến bệnh dịch, sự chỉ đạo của thành phố đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội. 

Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã thành lập 5 các tổ công tác do 5 đồng chí Thường trực Đảng ủy Khối làm tổ trưởng, thành lập 3 tiểu ban phục vụ Đại hội. Đến ngày 20/3/2020, toàn Đảng bộ đã có 705/1.165 chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc các đảng bộ cơ sở đã tổ chức thành công Đại hội (đạt 61%). Từ ngày 6/4 đến ngày 6/5/2020, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ duyệt công tác chuẩn bị Đại hội của các đơn vị cơ sở. Từ ngày 12/5/2020, các Đảng bộ cơ sở tiến hành hành Đại hội và dự kiến cơ bản kết thúc xong trước ngày 20/6/2020. Thời gian tổ chức Đại hội Đảng bộ Khối dự kiến vào tháng 7 hoặc tháng 8/2020.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp nhóm ngành Du lịch đề nghị các bộ, ngành Trung ương giảm thuế cho doanh nghiệp, hoãn nộp, giãn nộp, thuế thu nhập cá nhân, không thu nộp bảo hiểm xã hội trong tháng cao điểm dịch COVID-19 vì hầu như doanh nghiệp không có việc làm; xây dựng và triển khai các chính sách vay, trả ngân hàng thật sâu, sát với thực tế đủ độ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Thành phố Hà Nội đầu tư nhiều hơn kinh phí và kỹ thuật cho hoạt động xúc tiến du lịch và kích cầu du lịch sau khi dịch đi qua; tập trung đầu tư về chính sách ưu đãi, kinh phí cho việc xây dựng sản phẩm du lịch chiến lược của thành phố Hà Nội; khôi phục các sự kiện lớn đã bị hoãn như Giải đua F1 nhằm xúc tiến hình ảnh du lịch và thu hút khách...

Đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho rằng, do dịch bệnh bùng phát, Tổng Công ty đang yêu cầu các khách sạn xây dựng và đưa vào các dịch vụ bán hàng online, tổ chức bữa ăn sạch cung cấp cho các đơn vị. Tổng Công ty đang xây dựng các chương trình cụ thể, chuyển sang đào tạo online, thực hiện cải tạo, nâng cấp khách sạn... để chuẩn bị cho thời điểm hết dịch.
 
Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Tổng Công ty là đơn vị 100% vốn Nhà nước với 26 đơn vị thành viên. Theo ông Trung, lĩnh vực vận tải đang là lĩnh vực bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, cả 4 lĩnh vực hoạt động của Tổng Công ty đều ảnh hưởng nặng nề gồm: Lĩnh vực vận tải xe buýt; vận tải liên tỉnh; kinh doanh các điểm, bãi đỗ xe; kinh doanh đại lý ô tô. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng 7 nghìn lao động bị ảnh hưởng. Với việc giảm tần suất trên 1 nghìn lượt xe, Tổng Công ty đang thực hiện giãn công, giãn ca, cho nghỉ phép... để vẫn thực hiện trả lương cho người lao động.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, với lĩnh vực xuất khẩu, các thị trường trọng điểm của Hapro tại Mỹ, châu Âu, ASEAN đều bị ngừng trệ. Theo dự báo của Hapro, dự kiến tháng 4 - 5, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm, tuy nhiên có phân phối và bán lẻ nên hoạt động vẫn hiệu quả, đặc biệt hàng thiết yếu, thực phẩm tăng trung bình 25-30%. Hiện hoạt động tổng thể của doanh nghiệp vẫn cân đối được ở hai lĩnh vực phân phối nội địa, hệ thống siêu thị Hapro mart và xuất khẩu, đồng thời tiếp tục sản xuất kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động; dự trữ hàng hóa, cung cấp hàng hóa, thực hiện bình ổn giá theo nhiệm vụ được thành phố giao.

Nguyễn Thắng - Văn Cảnh (TTXVN)
Doanh nghiệp thủy sản sụt giảm 35-50% đơn hàng do COVID-19
Doanh nghiệp thủy sản sụt giảm 35-50% đơn hàng do COVID-19

Do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, sụt giảm từ 35-50% đơn hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN